Sáng ngày 18/7/2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị chuyên đề “ Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” năm 2023. Tham dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Phi – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – TUV – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Vẹn - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Phó Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã tỉnh; đồng chí Hoàng Xuân Nhật - Phó Giám đốc Ngân Nông nghiệp và PTNT chi nhánh tỉnh Đồng Nai; các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố; các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất, cùng 130 nông dân là chủ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Lê Hữu Thiện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Phạm Việt Phương – Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ cao, công nghệ sinh học Đồng Nai; đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh – PGĐ Sở Khoa học & Công nghệ; đồng chí Nguyễn Văn Thắng – PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này, do đó, cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đồng chí Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, cho biết: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng những phương pháp ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ thông tin giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết, trong thời gian qua ngành khoa học công nghệ đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng với chi phí thấp hơn. Đồng thời, KHCN giúp cải tiến, tối ưu hóa trong sản xuất, kinh doanh. Công nghệ cũng giải phóng sức lao động, thay thế sức người bằng máy móc, thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao năng suất lao động.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, về quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các địa phương đã rà soát, xác định 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 18.970 ha, trong đó có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng điều kiện về quy mô diện tích theo Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, để làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với mục tiêu đột phá về nông nghiệp theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai; về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến nay có 05 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 11,2 ha, cụ thể: 01 mô hình hồ tiêu hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ quy mô 3,5 ha; 02 mô hình rau hữu cơ với quy mô 3,5 ha tại Biên Hòa; 01 mô hình sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ với quy mô 3,3 ha và mô hình bưởi tại huyện Thống Nhất 0,9 ha. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Đồng Nai như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị sản phẩm, nên hiệu quả mang lại chưa cao, thiếu tín bền gững; việc xây dựng thương hiệu sản phảm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, an toàn (GAP) được chú trọng, nhưng việc duy trì gặp nhiều khó khăn; các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, dẫn tới khả năng cạnh tranh kém; số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng còn ít; công nghệ cao thủ tục hưởng ưu đãi từ các chính sách còn rườm rà.
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề “ Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” năm 2023
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công công nghệ cao tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.