Nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững cho hội viên, nông dân, sáng ngày 22/11/2022, tại Hội trường UBND xã Đồi 61, Trung Tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phối hợp với UBND xã Đồi 61 và Hội Nông dân xã tổ chức lớp Tập huấn “Kinh tế tuần hoàn Nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ về chăn nuôi”.
Về tham dự buổi tập huấn có Bà Đỗ Thị Bích Ngọc – Thạc sĩ thú y, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai; Bà Hà Thị Thái – Phó Chủ tịch UBND xã; Bà Trần Thị Thêm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã; cùng 42 hội viên, nông dân trên địa bàn xã.
Tại lớp tập huấn, hội viên nông dân được bà Đỗ Thị Bích Ngọc giới thiệu về phương pháp chăn nuôi hữu cơ, đáp ứng phúc lợi động vật và các giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Lớp tập huấn khuyến nông nhằm tuyên truyền hoạt động sản xuất không chất thải, phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất, chăn nuôi thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là định hướng bền vững trong phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Giảng viên – thạc sĩ Đỗ Thị Bích Ngọc trao đổi tại buổi tập huấn.
Tại buổi tập huấn hội viên, nông dân cũng được giới thiệu ứng dụng mô hình đệm lót sinh học nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm được thuốc thú y, giảm được công việc nặng nhọc trong việc vệ sinh chuồng, giảm nhân công, lượng nước và lượng điện dùng, góp phần đẩy mạnh nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương và được tham quan thực tế về mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học tại trang trại ông Nguyễn Trọng Hiếu - ấp Tân Hưng, xã Đồi 61.

Mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học của trang trại ông Nguyễn Trọng Hiếu - ấp Tân Hưng, xã Đồi 61 được giới thiệu tại buổi tập huấn.
Qua buổi tập huấn bà con nông dân rất phấn khởi và mong muốn Hội Nông dân xã tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn và được đi thực tế nhiều hơn nữa để Hội viên nông dân có thêm nhiều kiến thức, yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi tại địa phương.