Thứ 6 - 26/02/2016
Liên hệ (02513)822.327 Facebook Email: hoinongdantinhdn@gmail.com
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu xanh lá cây Màu vàng
Cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Đồng Nai quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028
Hành trình tạo thương hiệu và gắn sao OCOP cho Trà Phú Hội

 
Nhận thấy chủ trương của huyện và địa phương về việc định hướng khôi phục lại giá trị của trà Phú Hội. Anh Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội đồng thời cũng là người tiên phong đưa sản phẩm Trà Phú Hội tham gia Chương trình OCOP đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng khôi phục vùng nguyên liệu trà Phú Hội, đây là một bước tạo đà mạnh mẽ nhằm mang thương hiệu trà Phú Hội trở lại và tiến xa hơn trên thị trường cả nước.

 
Anh Nguyễn Huy Sang giới thiệu sản phẩm Trà Phú Hội dạng đóng hộp 250g
 
Từ hành trình khôi phục vùng nguyên liệu 
Nhờ lợi thế gia đình có kinh nghiệm trồng trà qua nhiều thế hệ cùng với tầm nhìn bao quát về thị trường tiêu thụ trà Phú Hội ngày càng sôi động, anh Sang đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng khôi phục lại các vườn trà; đồng thời thành lập Tổ hợp tác trồng và kinh doanh Trà Phú Hội với Đảng ủy, UBND xã cùng Hội Nông dân huyện. Ý tưởng của anh nhanh chóng được lãnh đạo đánh giá cao và chỉ đạo thực hiện.

Theo anh Sang, vào những năm 1980 - 1990 diện tích trà Phú Hội đạt khoảng 50ha nhưng do quyết định thay thế cây trà của nông dân bằng cây ăn trái vì lợi ích kinh tế đã vô tình làm mất đi phần lớn diện tích trà ngày nay và đó cũng là điều mà anh Sang và những người trồng trà tại xã Phú Hội cảm thấy tiếc nuối. Những năm gần đây, Trà Phú Hội lại được người dân trong và ngoài địa phương tìm đến với mong muốn được thưởng thức lại hương vị năm xưa, nhất là những người xa quê đang định cư tại nước ngoài vẫn nhớ mãi hương vị ngọt thanh của trà Phú Hội. Vào dịp tết, nhu cầu tiêu thụ trà tăng cao, có người vừa mua để sử dụng vừa làm quà biếu tết đã làm cho người trồng trà và kinh doanh trà tại xã Phú Hội thấy được tiềm năng, giá trị kinh tế mà cây trà mang lại. Hiện tại, trà Phú Hội được bán với mức giá khá cao, từ 600 – 900 ngàn đồng/kg trà thành phẩm, nhờ đó mà nông dân trồng trà có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Khi giá trị của cây trà ngày càng tăng, các hộ nông dân mới tìm mọi cách để hồi sinh lại cây trà bằng các phương pháp như chiết cành, nhân giống và chăm sóc thường xuyên.

Anh Nguyễn Huy Sang chia sẻ thêm: “Những nhiệm kỳ trước các cô chú cũng có làm nhưng chưa thành công, khi qua Hội Nông dân mình đã có kế hoạch khôi phục lại, cải tạo lại và đồng thời trồng mới, rồi bắt đầu làm dự án để kiến nghị Hội Nông dân tỉnh, huyện và phòng Kinh tế quan tâm, hỗ trợ. Ban đầu diện tích trà là 5,5ha nay đã nâng dần lên thành 7,5ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng lên thành 10ha”. 

Đến nay, qua rà soát có 32 hộ trồng, trong đó có 18 hộ đang là hội viên trong THT, nhìn chung các hộ rất tâm huyết và mong muốn lưu giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống của xã. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất nông nghiệp của địa phương ngày càng thu hẹp, do đó Hội Nông dân xã nghĩ đến việc tận dụng đất tại các khu triền đồi để mở rộng và nhân rộng mô hình trồng trà theo hướng bền vững.

Những thành viên trong THT chính là đầu mối cung cấp nguồn trà cho cửa hàng Phúc Bảo của anh Sang, anh chủ động đứng ra thu mua trà nguyên liệu từ nông dân với giá cao, mỗi kg trà đọt mua vào có thời điểm lên đến 500 ngàn đồng, do đó nông dân rất phấn khởi và bắt đầu chăm chút hơn cho vườn trà của gia đình; một số hộ còn nhân giống cây con và xem nghề trồng trà là nguồn thu nhập chính, nhất là người cao tuổi (NCT) cũng tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc cây trà, vừa có thu nhập, giúp NCT “sống vui, sống khỏe” vừa bảo tồn được vùng nguyên liệu của địa phương.

Trăn trở tìm cách giữ hương cho Trà Phú Hội
Khôi phục cây trà đã khó mà giữ được hương vị đặc trưng của trà càng khó hơn. Cùng với cây trà, các loại cây dùng để giữ hương và là loại nguyên liệu tạo nên sự khác biệt về mùi vị cho trà Phú Hội như cây lá ba ren và cây trà Phật. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị quên lãng và khó nhân giống nên các loại cây này đang dần mất đi, hiện chỉ còn 2 – 3 hộ trồng lá ba ren trên địa bàn nhưng số lượng không nhiều.

Tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Anh (hay còn gọi là bà 2 Mum – 86 tuổi) ngụ tại ấp Phú Mỹ 1 – xã Phú Hội để tận mắt thấy được cây lá ren, đây là loại cây được anh Sang gọi là cây “góp hương” cho Trà Phú Hội. Bà 2 Mum không nhớ rõ cây lá ren được trồng vào thời gian nào mà chỉ biết cây đã có từ thời ba của bà và bà chỉ là người kế thừa. Trước đó, nhà bà trồng rất nhiều, trải dài hết mương nước dài hàng trăm mét nhưng hiện tại chỉ còn một bụi lá ren nhỏ chỉ đủ cung cấp cho cửa hàng Phúc Bảo của anh Sang, với giá bán từ 200 – 250 ngàn đồng/kg, chủ yếu bán vào dịp tết do nhu cầu sử dụng trà tăng mạnh.


Bà 2 Mum và anh Nguyễn Huy Sang cố gắng tìm cách bảo tồn cây lá ba ren, là loại cây “giữ hương” thơm cho trà Phú Hội

Bà cũng đã thử nhiều cách để nhân giống cây ba ren và cho nhiều người mang về trồng nhưng không thành công, khi chuyển cây con từ khu đất cũ sang khu đất mới thì cây không sống được quá 1 tuần. Lo lắng địa phương sẽ mất đi loại hương liệu quý dùng để ướp trà Phú Hội nên bà rất cẩn thận mỗi lần thu hoạch, khi thấy cây có dấu hiệu cằn cỗi sẽ bón phân hữu cơ và hạn chế tác động vào thân cây. Theo bà 2, cây lá ren phát triển theo dạng dây leo, rễ bám sâu vào đất, là cây chịu nước và phù hợp với đất ruộng, càng nhiều phù sa cây càng xanh tốt, cây cho lá dày và to, hương thơm đặc trưng.

Tuy có giá trị cao nhưng bà 2 cũng xác định sẽ không vì lợi ích kinh tế mà bán đại trà, chỉ cung cấp cho người quen và bán với số lượng hạn chế. Theo anh Sang, bà 2 được xem là nghệ nhân trồng lá ba ren của xã vì những ưu điểm của lá ba ren chỉ có ở chỗ bà mà không nơi nào trồng được. Anh cũng khuyến khích bà truyền lại và hướng dẫn cho con cháu cách chăm sóc để giúp cho Trà Phú Hội giữ được hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng.

Cho đến thành quả Trà Phú Hội được gắn 3 sao OCOP
Tuy trà Phú Hội đã có được thị trường ổn định, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao nhưng để có được chỗ đứng vững chắc và khẳng định thương hiệu, bản quyền lại là một hành trình không đơn giản.

Kể về quá trình gắn sao OCOP cho Trà Phú Hội, theo anh Sang, nếu chỉ bán trà theo dạng đóng gói bình thường và ướp trà theo kiểu truyền thống là khi có khách mua thì mới ủ trà khô cùng với lá trà phật và lá ba ren sau đó mới đem sao thì thời hạn sử dụng không được lâu, bởi làm theo cách đó trà rất dễ bị mốc. Và đây cũng là cái khó mà anh luôn trăn trở để tìm ra giải pháp khắc phục. May mắn là sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân làm trà, anh Sang đã tìm ra được phương pháp tối ưu để bảo quản trà được lâu, với thời hạn sử dụng lên đến 2 năm sau khi đóng gói.

Anh Sang chia sẻ: “Để trà bảo quản 2 năm mà không sợ bị mất hương vị thì phải lấy lá ba ren và lá trà Phật là nguyên liệu chính phơi cho héo, còn trà thì chỉ cần để vào chảo sao qua vài phút và đổ vào nia rồi sao đó mới rải lá ba ren và lá trà Phật lên rồi để nguội thì trà giữ được rất lâu, phương pháp này đi kiểm nghiệm cũng rất thành công”.

Cho biết về quy trình để trà Phú Hội tham gia OCOP và gặt hái được thành công đối với anh cũng rất nhiều thăng trầm, khó khăn; để đi từ Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến OCOP 3 sao là cả một quá trình. Ngoài sự hỗ trợ từ Hội Nông dân cấp trên, UBND huyện, phòng Kinh tế và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với niềm đam mê nghề trà, anh Sang đã không ngừng nghiên cứu, tham khảo ý kiến và tìm hiểu về các thủ tục để công nhận sản phẩm đạt chuẩn.

Theo anh Sang, trước tiên là phải thiết kế Logo thương hiệu Trà Phú Hội và đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu; tiếp theo là kiểm định chất lượng và thành phần có trong trà thành phẩm (bao gồm những chỉ tiêu về: màu sắc, mùi vị cảm quan, hóa lí vi sinh và các tiêu chí về sinh vật hiếu khí, men, nấm mốc, tạp chất), lượng carbonhydrat đạt trên 50%. Vùng nguyên liệu phải đạt diện tích cho phép là một trong những yếu tố quyết định sự thành công khi đăng ký tham gia OCOP.

Bên cạnh đó, anh cũng định hướng cho nông dân về sản phẩm trà hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV, phòng ngừa sâu bệnh cũng sẽ theo hình thức hữu cơ, có như vậy mới đảm bảo giữ vững chất lượng và từng bước nâng hạng cho Trà Phú Hội. Đồng thời, kiến nghị với các ngành chức năng, chính quyền địa phương có kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh và trồng trà trên địa bàn để nhắc nhở, định hướng cho nông dân để các hộ có bước đi thích hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí để giữ vững thương hiệu Trà Phú Hội. 

Anh Sang phấn khởi cho biết: “Sau nhiều bước hoàn thiện hồ sơ và đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết, sản phẩm trà Phú Hội đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao vào cuối năm 2021. Phát huy thành quả đạt được, những năm tới, tôi cũng ấp ủ dự định sản xuất bột trà Matcha và Trà túi lọc từ cây trà Phú Hội, những sản phẩm này sẽ hướng đến phân khúc khách hàng là nhân viên văn phòng, những người bận rộn với công việc nhưng vẫn có điều kiện thưởng thức được trà ngon”. 

Dự định trong thời gian tới, anh Sang sẽ đẩy mạnh công tác vận động các hộ dân trồng trà tham gia vào THT, đồng thời khuyến khích những bậc cao niên trồng trà truyền dạy những kỹ thuật, bí quyết chăm sóc trà cho con cháu đời sau, để cây Trà Phú Hội mãi mãi là niềm tự hào của người dân địa phương. Sản phẩm Trà Phú Hội khi đạt được sự công nhận về chất lượng chính là chìa khóa để tiến vào một thị trường mới rộng lớn hơn, đa dạng hơn và tiềm năng hơn; đồng thời cũng là đòn bẩy đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Nhơn Trạch đến với người tiêu dùng trên cả nước.

Xuân M​ai



 
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khóa X chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo
BCH Hội Nông dân huyện Tân Phú nhiệm kỳ 2023 - 2028
BCH Hội Nông dân huyện Xuân Lộc nhiệm kỳ 2023 - 2028 chụp hình lưu nhiệm cùng lãnh đạo
BCH Hội Nông dân thành phố Long Khánh khóa V nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt và hứa hẹn trước Đại hội
BCH Hội Nông dân thành phố Biên Hòa khóa X chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tại Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện TRảng Bom khóa V ra mắt Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt Đại hội
Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Thống Nhất lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
BCH Hội Nông dân huyện Long Thành khóa XI chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo HND tỉnh và Huyện ủy
Xem thêm

Các HND các tỉnh, thành phố

Các huyện, thành phố trong tỉnh

Các trang thường dùng khác

Số lượt truy cập

Trong năm 2024 :
Tất cả :

​TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ cơ quan: Số 185, đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 

Điện thoại: (02513) 822.327, Email: hoinongdantinhdn@gmail.com

Trưởng Ban biên tập: Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai.

Mọi tin, bài, thắc mắc, góp ý xin gửi về thư điện tử: thudinh85hnd@gmail.com​ hoặc Zalo: 0369 121 007

Lên đầu trang