Thời gian qua, để giúp nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn cơ cấu lại tổ chức sản xuất các loại nông sản theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác hàng hóa; hỗ trợ nông dân phát huy những ưu thế của những nông sản có tiềm năng, trên cơ sở căn cứ năng lực và nhu cầu thực tế của thị trường; khuyến khích các mô hình kinh tế tập thể chủ động nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác, mở rộng thị trường liên kết hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại huyện Xuân Lộc, với 120 đại biểu tham dự; phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai đến các cơ sở hội tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đăng ký sản phẩm, chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Trên địa bàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm của 136 chủ thể (41 chủ thể là công ty, 23 hợp tác xã, 08 THT, 64 cơ sở/HKD); trong đó, 202 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao. Phân theo nhóm sản phẩm có, 228 sản phẩm nhóm thực phẩm, chiếm 92,95% sản phẩm được chứng nhận OCOP trên toàn địa bàn tỉnh, 05 sản phẩm nhóm đồ uống, chiếm 2,07%, 03 sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, chiếm 1,24%, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếm 3,73%.
Hội Nông dân tỉnh thường xuyên giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại các sự kiện của Hội
Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị sàn thương mại điện tử vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân đưa sản phẩm lên sàn để kết nối tiêu thụ; kết quả đã hỗ trợ 1.976 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; có 273 sản phẩm nông nghiệp được cập nhật trên sàn thương mại điện tử của Sở Công thương (ecdn.vn), Sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam (Postmart), Lazada, Tiki, Shopee...; có 138 sản phẩm nông sản được Hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu.
Về xây dựng mã vùng trồng, trong năm 2024, đã được các nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 07 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 ha, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 ngàn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand,…; xây dựng 03 vùng nuôi tại huyện Tân Phú, Long Thánh, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu, hiện chuỗi sản phẩm gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 300 tấn/tháng; hỗ trợ 151 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa.
Các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền để hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân; tích cực hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp, liên kết sản xuất, cam kết sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap, OCOP; giúp nông dân quảng bá sản phẩm... Kết quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức sản xuất được hàng trăm phóng sự, bài viết quảng bá về hàng hoá, sản phẩm địa phương trên các kênh thông tin của Báo, Đài...
Lãnh đạo Trung ương Hội và Tỉnh ủy tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của nông dân Đồng Nai
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho nông dân tham gia các gian trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long… để giới thiệu hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp của nông dân... Tại các địa phương, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm, hàng hoá với hàng trăm gian hàng; các chương trình quảng bá sản phẩm mang đậm nét quê hương gắn với tuyên truyền, phổ biến những cách làm hay, nhân tố mới, những mặt tích cực để hội viên nông dân học tập và nhân rộng.
Song song đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ nông dân tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua các buổi tọa đàm, hội thảo, nông dân đã được trang bị kiến thức về thị trường, nâng cao kỹ năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, việc phối hợp với Bưu điện và các ngành có liên quan thực hiện các điểm trưng bày, giới thiệu nông sản đã tạo điều kiện thuận lợi để nông sản địa phương tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.