Ngày 08/7/2025, tại kỳ họp thứ 02 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X đã chính thức thông qua Nghị quyết về Đề án hợp nhất Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết là thống nhất cấp bổ sung 68,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh giai đoạn 2026 – 2030 cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai sau hợp nhất nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Định – TUV – Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt Tờ trình Nghị quyết về dự thảo Đề án theo phân công
Tăng quy mô vốn, mở rộng không gian phát triển
Đề án hợp nhất Quỹ Hỗ trợ nông dân hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước được xây dựng trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sáp nhập không chỉ là yêu cầu tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy, mà còn tạo tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân – một công cụ tài chính quan trọng của Hội Nông dân trong hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, tổng nguồn vốn sau hợp nhất đạt hơn 316 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh và huyện chiếm hơn 246 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ủy thác từ Trung ương và vốn huy động. Tính đến tháng 6/2025, Quỹ đã triển khai cho vay gần 1.000 dự án với 6.325 hộ nông dân, tổng dư nợ xấp xỉ 297 tỷ đồng – khẳng định vai trò là kênh tín dụng hiệu quả, sát thực tiễn và phù hợp với điều kiện nông thôn.
Thống nhất tổ chức – tinh gọn, hiệu quả và chuyên nghiệp Quỹ Hỗ trợ nông dân
Việc hợp nhất Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Đồng Nai là yêu cầu cấp bách và cần thiết, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (trong đó có việc sắp xếp toàn bộ tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai); góp phần thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; tập trung đầu mối quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phân bổ, kiểm soát bảo toàn và phát triển nguồn vốn.
Theo phương án tổ chức sau hợp nhất, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai sẽ hoạt động với cơ cấu gồm Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành theo đúng Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ. Đáng chú ý, bộ máy không phát sinh thêm biên chế mà sử dụng cán bộ Hội Nông dân tỉnh kiêm nhiệm, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, điều hành.
Trụ sở chính đặt tại Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai (số 185, đường Hà Huy Giáp, phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai). Quỹ có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại, chịu sự kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Nghị định số 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Góp phần hiện thực hóa các mục tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trong giai đoạn 2026 – 2030, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai (sau hợp nhất) sẽ được bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh với tổng số tiền 68,5 tỷ đồng. Kế hoạch này thực hiện trong 5 năm, với mức cấp hàng năm dao động từ 13 đến 14 tỷ đồng, nhằm mở rộng quy mô hỗ trợ cho khoảng 75 dự án với khoảng 750 lượt hộ hội viên tiếp cận vốn, trung bình mỗi dự án nhận khoảng trên dưới 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Việc cấp bổ sung nguồn vốn này không chỉ góp phần bảo toàn, phát triển vốn của Quỹ mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền tỉnh trong việc đồng hành với hội viên, nông dân – lực lượng sản xuất nòng cốt tại nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, việc tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ là hết sức cần thiết để tạo ra sức bật cho hội viên nông dân khởi sự kinh doanh, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Việc hợp nhất Quỹ Hỗ trợ nông dân hai tỉnh thành một thể thống nhất, cùng với việc bổ sung nguồn vốn điều lệ từ ngân sách địa phương, không chỉ là bước đi hợp lý trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế nông thôn. Quỹ sẽ tiếp tục là cầu nối tín dụng hữu hiệu, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hình thành các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững và hiện đại. Đồng thời, là công cụ để nâng cao năng lực của tổ chức Hội Nông dân trong việc đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sinh thái và giá trị.