Huyện Nhơn Trạch có xuất phát điểm là huyện thuần nông, với 90% dân số làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng và phát triển theo hướng đô thị, địa phương đã từng bước thay đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại dịch vụ, hiện nay cơ cấu nông nghiệp của huyện chiếm từ 4-6%. Mặc dù cơ cấu nông nghiệp có giảm nhưng thay vào đó, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng được nông dân tích cực chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giúp tăng sản lượng, thân thiện với môi trường và thu nhập của nông dân cũng cải thiện hơn so với trước đây.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ được nhân rộng
Theo phòng Kinh tế huyện, hiện trên địa bàn đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được nhân rộng hiệu quả, trong đó mô hình nuôi tôm công nghiệp đang được nhiều hộ nông dân áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Đến nay, huyện đã xây dựng được 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tại ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh với diện tích 12,6 ha và tại ấp Vũng Gấm, xã Phước An, với diện tích 15 ha, trong đó cả 02 vùng nuôi tôm đều đã đạt chứng nhận VietGap. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng được mô hình trồng rau thuỷ canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Thanh, với diện tích 1,5 ha, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như: xà lách, cải xanh, rau dền, cải ngọt,…với năng suất khoảng 40kg/ngày, các loại nông sản được trồng theo hướng công nghiệp nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường về nguồn nông sản xanh và sạch”.
Hiện Vùng nuôi tôm ở Vĩnh Thanh đã thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Thanh) và vùng nuôi tôm ở xã Phước An đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Thành Công để giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống.
Vùng nuôi tôm công nghiệp tại ấp Vũng Gấm, xã Phước An với diện tích 15 ha
Anh Nguyễn Huy Bình – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Thành Công, xã Phước An, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ: “HTX có 08 thành viên, vốn điều lệ khoảng 15 tỷ đồng, giống tôm được chúng tôi lựa chọn là giống tôm thẻ chân trắng, khi triển khai nuôi theo hướng công nghiệp tôm phát triển khá tốt, ít rủi ro, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tôm thu được là 135 tấn, doanh thu đạt 13 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 2,5 tỷ đồng”.
Cũng theo anh Bình, hiện các hộ nuôi tôm công nghiệp cũng thường xuyên ứng dụng các kỹ thuật như: khử khuẩn nguồn nước đầu vào bằng khí Clo và xử lý chất thải của tôm ở đáy ao bằng các chế phẩm sinh học, từ đó giúp tạo môi trường ao nuôi an toàn và ổn định.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ và và nguồn vốn
Theo Hội Nông dân huyện, Hội đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: tăng cường hình thức tuyên truyền, đối thoại giữa nông dân với chính quyền, các ngành, các nhà khoa học và doanh nghiệp; gắn kết công tác tuyên truyền, vận động của Hội với các chương trình, dự án, mô hình do Hội thực hiện; tiếp tục hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển lên đô thị; vận động hội viên thành lập các chi hội nghề nghiệp, HTX để thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Mô hình trồng rau thuỷ canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Thanh, với diện tích 1,5 ha
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện sẽ làm việc với các ngân hàng trên địa bàn để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân đầu tư máy móc, thiết bị, nuôi trồng theo hướng công nghiệp, đối với quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, huyện cũng đang quan tâm đầu tư về hạ tầng cũng như kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo nguồn nước xả ra môi trường”.
Song song đó, huyện Nhơn Trạch tiếp tục định hướng và khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Xác định doanh nghiệp và Hợp tác xã là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cao vào sản xuất, trong đó nông dân là chủ thể xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao. Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng loại cây trồng, vật nuôi, phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Làm cầu nối gắn kết những hộ nông dân cùng ngành nghề để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, từ đó tạo ra những loại nông sản có chất lượng đồng đều.
Như vậy, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ phù hợp với xu hướng đô thị hóa của huyện Nhơn Trạch mà còn phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tạo ra những loại nông sản chất lượng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống của hội viên nông dân và phát triển kinh tế của địa phương.