Nhờ thực hiện mô hình nuôi trồng khép kín mà trong những năm qua, gia đình của anh Vương Đại Quang (44 tuổi) ngụ tại ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch có thu nhập ổn định, đó là mô hình “chăn nuôi dê” kết hợp “trồng cỏ và trồng mít thái siêu sớm”.
Anh Quang bén duyên với nghề nuôi dê từ năm 2021, khi mới bắt tay làm anh nuôi thử 30 con và dần dần mở rộng quy mô chuồng trại, đến nay đàn dê của gia đình anh đã tăng lên khoảng 100 con. Hiện tại, anh kinh doanh theo hình thức vừa bán dê giống, vừa bán thịt, giá dê thịt hiện nay là 80 ngàn đồng/kg, tuỳ trọng lượng dê mà giá dao động từ 20 – 30 ngàn đồng/kg, trong 02 năm qua anh đã bán được gần 50 con dê, nhiều nhất là dê thịt.
Anh Quang chia sẻ: “Biết tôi có ý định chuyển từ nuôi heo qua nuôi dê nên một người họ hàng đã giới thiệu cho tôi tìm hiểu mô hình nuôi dê tại huyện Cẩm Mỹ, khi đến xem tôi được chủ trang trại hướng dẫn, chỉ dẫn tận tình và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê bán thịt cũng như cách chăm sóc dê cái sinh sản”.
Cũng theo anh Quang, lúc mới nuôi anh cũng còn khá lo lắng vì dê non hay bị bệnh và anh cũng chưa biết cách chăm sóc đàn dê. Trong đó khó nhất là lúc dê bệnh bỏ ăn, tới mùa sinh sản. Để tiết kiệm chi phí anh Quang tự mua thuốc, chích ngừa và đỡ đẻ cho đàn dê; chuồng trại cũng do anh tự thiết kế và tự làm, để giảm chi phí làm chuồng anh tận dụng tôn cũ và mua gỗ làm sàn chuồng, lúc mới làm anh chỉ đầu tư diện tích khoảng 18m2 , việc chăn nuôi thuận lợi nên chỉ sau 5 tháng anh mở rộng diện tích chuồng trại lên 90m2, hiện anh Quang cũng dự tính nhân đàn và xây thêm dãy chuồng mới rộng 100 m2 cạnh bên dãy chuồng cũ. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động tiêm ngừa phòng bệnh cho dê, nhờ vậy mà đàn dê nhà anh ít nhiễm bệnh và phát triển tốt. Sau khi đạt được những kết quả ban đầu, nhiều người dân từ các địa phương khác đã tìm tới để học tập kinh nghiệm từ anh và được anh nhiệt tình hướng dẫn.
Anh Vương Đại Quang tận dụng các loại lá cây tự nhiên để làm nguồn thức ăn chính cho dê
Đạt được thành công từ nuôi dê và không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dê xuống thấp cũng bởi vì anh luôn chủ động được nguồn thức ăn dồi dào. Cho biết thêm về thức ăn nuôi dê, ngoài các loại lá cây có sẵn trong vườn, anh Quang cũng trồng thêm cỏ voi là nguồn thức ăn chính của dê, ngoài ra anh chỉ bổ sung một ít thực phẩm để cung cấp vừa đủ dinh dưỡng cho đàn dê.
Anh Quang cho hay: “trước khi bắt tay nuôi dê tôi đã tiến hành trồng cỏ trong 3 tháng, việc chủ động thức ăn cho dê giúp gia đình tôi không tốn kém nhiều chi phí nuôi dê, không những vậy tôi cũng ủ phân dê để bón cho lại cỏ để nhanh phát triển hơn”. Cũng theo anh Quang, thời gian để cỏ voi sinh trưởng là 3 tháng, tuy nhiên sau đó chỉ cần lưu gốc là cỏ tự phát triển trong 2 tháng tiếp theo.
Ngoài diện tích nuôi dê, gia đình anh có khoảng 1.000 m2 đất trồng mít thái siêu sớm xen canh với trồng cỏ voi, đây vừa là một nguồn thu vừa là nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn dê gần trăm con của gia đình. Một lợi ích khác khi trồng xen canh như vậy cũng giúp hạn chế các loại cỏ dại mọc trong vườn.
Anh Quang tâm sự, trước khi quyết định nuôi dê, gia đình anh chủ yếu thu nhập từ vườn mít; trong thời gian trồng loại cây này anh nhận thấy tiềm năng về nguồn thức ăn chăn nuôi khi bỏ những trái hư và tỉa cành cho cây, tất cả những phần của cây mít như: lá mít, trái mít đều có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Chính vì vậy mà anh đã nảy ra ý tưởng nuôi dê, một phần để tăng thu nhập và một phần để tiêu thụ những phần bỏ đi của cây mít. Có thời điểm giá mít thấp nên anh quyết định không bán mà để dành làm thức ăn cho dê.
Đối với giống mít thái siêu sớm được anh trồng cách đây 4 năm với khoảng 600 - 700 gốc, thời gian thu hoạch từ 3,5 – 4 tháng, mỗi trái mít nặng từ 6 – 10kg, mỗi kg có giá thành từ 15 – 20 ngàn đồng, nhờ vườn rộng trồng số lượng nhiều nên ngày nào anh cũng có mít để bán, chủ yếu cung cấp cho người dân trong xã và các xã lân cận.
Anh Quang cho biết thêm: “Khi trồng mít tôi thấy mít thái trồng dễ hơn so với các loại cây trồng khác, mít của tôi ít sử dụng thuốc BVTV nên được khách hàng ưa thích bởi vì lúc mít chuẩn bị thu hoạch tuyệt đối không phun thuốc mà chỉ bao bọc để ngăn côn trùng. Để thuận lợi cho việc chăm bón, tôi đã lắp các vòi tưới nước tự động trong vườn, những tháng mưa thì tần suất tưới thấp hơn thời điểm nắng nóng”.
Như vậy, sau nhiều lần thất bại trong đầu tư, kinh doanh thì ở thời điểm hiện tại, anh Quang đã tạm hài lòng với mô hình nuôi trồng “khép kín” do anh tự lên ý tưởng. Cũng theo anh Quang, tuy giá dê đang ở mức thấp nhưng điều đó cũng là một thuận lợi cho những nông dân đang có ý định chuyển đổi cây trồng vật nuôi vì giá mua vào khá tốt và rẻ hơn nhiều so với những năm trước. Hiện anh cũng đang có ý định nhân rộng đàn dê và mong muốn địa phương có thêm nguồn vốn cho nông dân đầu tư những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh Tống Đình Sỹ, hiện nay trên địa bàn xã có 02 hộ chăn nuôi dê với số lượng hơn 200 con, do đó Hội cũng có kế hoạch vận động các hộ đăng ký tham gia thành lập Tổ hợp tác để được tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước, hỗ trợ các hội viên khác chuyển đổi ngành nghề, từ đó giúp hội viên nông dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế gia đình.