Sau thời gian triển khai đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh, đến nay huyện Nhơn Trạch đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, điều kiện diện tích đất và nhân công lao động ngày càng giảm. Các mô hình này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng doanh thu mà còn hỗ trợ hậu cần cho phát triển du lịch, công nghiệp.
Hình thành các mô hình nông nghiệp hiện đại
Nhơn Trạch là địa phương có diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất mặt nước lớn nhất tỉnh. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều bất lợi do xâm nhập mặn, nhiễm phèn dẫn đến năng suất thấp. Nhưng hiện tại, huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như: Nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, trồng sen… vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa cải thiện hiệu quả sử dụng đất.
Vùng ven sông các xã: Vĩnh Thanh, Phước An, Phước Khánh, Long Thọ trước đây nông dân chủ yếu trồng lúa, mía và nuôi gia cầm hiệu quả kinh tế thấp; từ khi chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã xuất hiện những “đại gia" thủy sản với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nông dân xã Vĩnh Thanh đầu tư nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm
Ông Nguyễn Huy Bình (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An) chia sẻ: Tôi đầu tư theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài", ban đầu chỉ vài trăm mét vuông đất lúa của gia đình, sau đó cứ “trúng" tôm lại mua đất làm ao mới. Hiện tại, tôi làm được 10 ao có diện tích từ 500 – 1000 m2/ao và hùn vốn với anh em làm được 9 ao, tổng cộng là 19 ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
Cũng theo ông Bình, vài năm nay ông chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, được công ty hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, cám, thuốc tận nơi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước nên tôm ít bệnh, lớn nhanh. Sau hơn 2 tháng tôm được thu hoạch, sản lượng từ 4-5 tấn/ao, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 200-250 triệu đồng/ao/vụ.
Xã Phước Khánh là vùng trồng mía lớn của huyện Nhơn Trạch nhưng đến nay nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng chuối cấy mô, dừa nước, mãng cầu xiêm cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần. Trong đó có mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trồng chuối cấy mô cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh lợi nhuận 400-500 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng rau thủy canh lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm trên diện tích 0,5ha…
Anh Mai Thế Hiển (ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh) là nông dân tiên phong trồng dưa lưới nhà màng chia sẻ, năm 2019, anh thử nghiệm 700 m2 trồng dưa lưới công nghệ nhà màng, sau hơn 3 năm, anh tăng diện tích lên gấp 10 lần. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu tư nhà lưới nhưng năm nay anh thu lợi gần 1 tỷ đồng. Điểm đặc biệt trong mô hình trồng dưa lưới của anh là không dùng thuốc thụ phấn mà sử dụng ong mật vừa nâng tỷ lệ đậu quả, vừa có thêm thu nhập.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch - Nguyễn Văn Nhân cho biết, thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai, đến nay địa phương đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó nổi bật mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt khoảng 90 ha, lợi nhuận có thể đạt 1-1,5 tỷ đồng/ha; mô hình trồng cây ăn quả trên đất lúa và trồng rau, quả trong nhà màng; mô hình nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi bằng máy móc tự động…
Định hướng phát triển mô hình nông nghiệp đô thị
Huyện Nhơn Trạch đang trong quá trình thực hiện các tiêu chí thành phố mới theo hướng công nghiệp - dịch vụ, một phần diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang làm hạ tầng. Do vậy, định hướng của địa phương là phát triển các mô hình nông nghiệp phù hợp với tiêu chí đô thị: sử dụng diện tích đất ít, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, đáp ứng nhu cầu hậu cần tại chỗ.
Thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh, Nhơn Trạch hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản hơn 1,7 ngàn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao 90 ha, vùng trồng sen theo chuỗi sản xuất và chế biến hơn 100 ha, giảm vùng trồng mía còn khoảng 400 ha, phục hồi vùng trồng và chế biến cây trà khoảng 7 ha. Ngoài ra, còn có vùng trồng rau củ quả được chuyển đổi từ đất lúa, mía.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Nhân cho rằng, năm 2021, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ các vùng sản xuất trước đây; hình thành và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chí VietGAP, hữu cơ; mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sự điều chỉnh này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho nông dân mà còn giúp ngành Nông nghiệp huyện thích ứng với tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn do biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch - Bùi Phước Đức nhận định, ngành Nông nghiệp huyện có nhiều lợi thế phát triển đó là: Diện tích đất nông nghiệp ven sông còn nhiều, là thị trường hàng trăm ngàn công nhân và người dân, tương lai Nhơn Trạch là đô thị thương mại - dịch vụ ven sông lớn của tỉnh. Hiện nay, địa phương đã hình thành được các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp có doanh nghiệp tham gia đầu tư, hợp tác. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển lên thành phố; vận động hội viên thành lập các Chi Hội nghề nghiệp, Hợp tác xã để thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.