Thứ 6 - 26/02/2016
Liên hệ (02513)822.327 Facebook Email: hoinongdantinhdn@gmail.com
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu xanh lá cây Màu vàng
Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024)
Cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Đồng Nai quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028
Hành trình đưa thương hiệu sen Trường Phát ra thị trường cả nước

 

Thương hiệu sen Trường Phát từ lâu đã không còn xa lạ với người dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Với lợi thế về nguồn sen làm nguyên liệu và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Bích Lệ (41 tuổi) – Người sáng lập Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Trường Phát đã từng bước khôi phục giá trị của cây sen tại địa phương và đưa các sản phẩm chế biến từ sen ra thị trường cả nước.

 



Chị Nguyễn Thị Bích Lệ giới thiệu các sản phẩm từ sen của cơ sở

Từ câu chuyện gư​ơng sen mất giá

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nông nghiệp mà thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa và trồng sen lấy hạt, chị Nguyễn Thị Bích Lệ, ngụ ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân luôn trăn trở khi thấy diện tích trồng sen tại địa phương ngày càng thu hẹp khi gương sen không có thương lái thu mua hoặc có mua cũng lựa chọn rất khắt khe, lượng sen không bán được bị tồn đọng nên chị đã miệt mài suy nghĩ tìm hướng đi mới, giúp đánh thức tiềm lực của cây sen Nhơn Trạch. Chị Lệ từng học Cao đẳng Sư phạm nhưng được 01 năm thì nghỉ và về quê lập gia đình và làm nông, có lẽ chị đã không nghĩ rằng từ một người nông dân mình sẽ trở thành người sáng lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và Nông nghiệp Trường Phát. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại ẩn chứa một nghị lực phi thường về tinh thần “làm giàu” trên chính mảnh đất quê hương và quyết tâm đưa thương hiệu sen Việt lan tỏa khắp muôn nơi.

Nhớ lại khoảng thời gian vào năm 1998, đó là thời điểm các công ty từ Đài Loan bắt đầu liên hệ với nông dân để thu mua gương sen. Thời điểm đó, cả huyện Nhơn Trạch có gần 100 hecta trồng sen, khi nghe có công ty muốn thu mua gương sen nên rất phấn khởi. Tuy nhiên, công ty chỉ thu mua những gương sen có hạt đều, to, vừa chín tới còn những gương sen không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại, điều đó đồng nghĩa số lượng sen thải ra rất lớn; không bán được, nhiều nông dân phải đem đổ, bỏ hoặc cho gia cầm ăn. 

Nhớ lại thời điểm sen mất giá, chị Lệ cho biết: “Nhà mình lúc đó có khoảng 4 hecta trồng sen, trong nhà lúc nào cũng có từ 15 – 20 bao gương sen nhưng có khi không bán được bao nào, phải đem đổ bỏ rất lãng phí. Từ thực tế đó, mình đã dần hình thành ý tưởng là gia công hạt sen của gia đình rồi đem bán ngoài chợ để duy trì kinh tế trong suốt 8 năm”. Đến năm 2006, thấy số lượng sen cần cung cấp ngày càng nhiều và lượng khách hàng ổn định, chị Lệ đã mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất sen của riêng mình. Bắt đầu từ đó, nhà chị trở thành địa điểm thu mua gương sen lớn nhất của cả huyện, lượng sen và các đơn đặt hàng ngày càng nhiều nên chị bắt đầu thuê nhân công để gia công hạt sen tại nhà. Lúc đầu, cơ sở của chị Lệ chỉ làm hạt tươi, thế nên những lúc “dội hàng” hoặc tiêu thụ không kịp, hạt sen bị thâm, bị già, phải đem bỏ, lỗ vốn. Tiếc của, tiếc công, nhiều đêm không ngủ chị đã nghĩ cách sơ chế sen khô bằng cách tận dụng những hạt già, bị đen đem phơi rồi rang trên chảo và xay thành bột để bảo quản được lâu hơn, từ đó chị có thêm sản phẩm là bột sen. Nhận thấy nhu cầu ăn thực dưỡng của một số tín đồ, phật tử, chị Lệ đã liên hệ và nhận cung cấp thêm sản phẩm bột sen có tim cho các chùa trên địa bàn vì tim sen còn có tác dụng trị các loại bệnh như: mất ngủ, tiểu đường, huyết áp,…nên rất được người dân ưa chuộng, từ 20 – 30kg/tuần thì đến nay trung bình một tháng chị bán được từ 200 – 500kg. Tiếp tục phát huy thế mạnh từ hạt sen, chị đã nghĩ ngay đến sản phẩm trà hạt sen, đây cũng là sản phẩm được công nhận OCOP vào năm 2019. Niềm đam mê của chị với cây sen ngày càng lớn cùng với quá trình không ngừng học hỏi, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, chị đã sáng tạo thêm sản phẩm bột ngũ cốc gồm các thành phần từ: hạt sen, gạo lức huyết rồng, đậu đen, đậu đỏ và mè đen, với mong muốn phục vụ những khách hàng thực hiện chế độ ăn dưỡng sinh, vừa bổ dưỡng, đầy đủ chất vừa đảm bảo sức khỏe.

 


Công nhân đang vận hành máy đóng gói bột ngũ cốc dinh dưỡng

 

Đến hành trình khôi phục giá trị của cây sen

Tháng 4/2020, HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Trường Phát được thành lập, đạt được thành quả đó là cả một hành trình đầy vất vả. Ngay từ năm 2015, chị Lệ bắt đầu đi nhiều nơi, đến nhiều điểm và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và mở rộng nguồn khách hàng như: Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tây Ninh. Chị Lệ phấn khởi chia sẻ: “Sau những lần tham dự gian hàng trưng bày theo các chương trình OCOP thì mình thấy mọi người rất ưa thích và quan tâm đến sản phẩm từ sen. Đặc biệt, vào năm 2019, mình có cơ hội nhận được suất đi Đài Loan do Hội Nông dân tỉnh tổ chức để học tập kinh nghiệm thì mình thấy khâu thiết kế thương hiệu và mẫu mã các sản phẩm của nước bạn rất đẹp nên mình đã áp dụng sau khi về nước, vì trên thị trường hầu như cũng không có nhiều sản phẩm từ cây sen nên từ khâu thiết kế đến bao bì, màu sắc đều phải tự nghĩ ra”. Cũng theo chị Lệ, mỗi lần tham dự Hội nghị xúc tiến ở tỉnh, thành nào đó cũng giúp chị mở rộng được các mối quan hệ, phát triển thêm từ 2 – 3 đại lý, đặc biệt những đơn hàng chị nhận từ các khu vực nếu có đại lý phân phối chị sẽ chuyển đơn hàng đến đại lý đó và thực hiện chiết khấu trên mỗi sản phẩm từ 20 – 30%. Để phục vụ thị trường dịp Tết nguyên đán 2021, chị tiếp tục cho ra đời các sản phẩm tết như: mứt củ sen, mứt hạt sen, mứt gừng và mứt cà rốt; đặc biệt, chị đã thiết kế thành những giỏ quà tặng bao gồm nhiều sản phẩm của mình và kết hợp thêm các sản phẩm được công nhận OCOP từ các địa phương khác để giúp giỏ quà Tết thêm phong phú, với mức giá dao động từ 500 – 600 ngàn đồng.

Nếu thời điểm mới thành lập cơ sở chỉ có 4 sản phẩm thì đến nay, chị đã cho ra đời được 16 sản phẩm nhằm tận dụng tất cả các phần còn lại của cây sen, trong đó đã có 07 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là: sen sấy bơ, trà hạt sen, trà củ sen, bột sen dinh dưỡng, bột ngũ cốc dinh dưỡng, trà lá sen và trà tim sen. Năm 2019, Sở Công thương tỉnh đã hỗ trợ cho cơ sở 357 triệu đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất, chị đã dùng số tiền này mua 02 máy đóng gói bột dinh dưỡng có đường và không đường; ngoài ra chị cũng tự mình đầu tư thêm 01 máy đóng gói trà túi lọc cùng một số loại máy chuyên dụng khác, với số tiền gần 1,8 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, các sản phẩm của Trường Phát đều đạt chuẩn ISO 22000:2018. 

Năm 2020 có thể nói là năm chị Lệ gặt hái được rất nhiều thành công và đạt được những thành tích đáng nể, chị tham dự cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp, có  chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, thu hút  922 ý tưởng, dự án tham gia; chị Lệ với dự án “Chế biến các sản phẩm từ sen” đã vượt qua nhiều dự án “khủng” trên cả nước và đạt được giải Nhì chung cuộc. Ngoài ra, chị còn được tuyên dương sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực năm 2020. Bên cạnh việc kinh doanh bận rộn nhưng chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và đóng góp vào các phong trào, cuộc vận động của địa phương như: tặng quà cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu, tặng sách vở cho học sinh nghèo; thăm hỏi, tặng quà cho người già neo đơn, hộ nghèo, trung bình mỗi năm chị đóng góp khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, HTX của chị cũng đang giúp cho 10 công nhân chính thức và 40 công nhân thời vụ có việc làm thường xuyên, với mức lương chính từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Dự kiến, trong năm 2021, chị Lệ tiếp tục tham gia thêm 07 sản phẩm OCOP, được biết những sản phẩm này đã được bán ra thị trường và nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Chị cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm và kết nối với nông dân trồng sen ở các khu vực khác bao tiêu sản phẩm đầu ra; đồng thời ký kết với các siêu thị, nhà phân phối, các điểm dừng chân để mang thương hiệu sen Việt nói chung và sen Trường Phát nói riêng đến với người tiêu dùng.

 

Xuân Mai

 
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khóa X chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo
BCH Hội Nông dân huyện Tân Phú nhiệm kỳ 2023 - 2028
BCH Hội Nông dân huyện Xuân Lộc nhiệm kỳ 2023 - 2028 chụp hình lưu nhiệm cùng lãnh đạo
BCH Hội Nông dân thành phố Long Khánh khóa V nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt và hứa hẹn trước Đại hội
BCH Hội Nông dân thành phố Biên Hòa khóa X chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tại Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện TRảng Bom khóa V ra mắt Đại hội
BCH Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt Đại hội
Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Thống Nhất lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
BCH Hội Nông dân huyện Long Thành khóa XI chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo HND tỉnh và Huyện ủy
Xem thêm

Các HND các tỉnh, thành phố

Các huyện, thành phố trong tỉnh

Các trang thường dùng khác

Số lượt truy cập

Trong năm 2024 :
Tất cả :

​TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ cơ quan: Số 185, đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 

Điện thoại: (02513) 822.327, Email: hoinongdantinhdn@gmail.com

Trưởng Ban biên tập: Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai.

Mọi tin, bài, thắc mắc, góp ý xin gửi về thư điện tử: thudinh85hnd@gmail.com​ hoặc Zalo: 0369 121 007

Lên đầu trang