Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân (HND) nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp. Kết quả đến nay các cấp Hội đã xây dựng được 129 mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp hội viên nông dân có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
* Hỗ trợ nguồn vốn phát triển mô hình kinh tế
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Hướng dẫn số 24 về quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của chi, tổ HND nghề nghiệp. Theo hướng dẫn trên, các chi, tổ HND nghề nghiệp được thành lập dựa trên tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi và trên nguyên tắc 5 tự: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Trong quá trình hoạt động, các chi, tổ HND nghề nghiệp đã phát huy hiệu quả hoạt động, đạt được kết quả thiết thực, nội dung, phương thức hoạt động từng bước đổi mới. Điển hình như tổ HND nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang. Đây là mô hình điểm đầu tiên của Long Khánh, khi thực hiện theo Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ HND nghề nghiệp.

Tổ HND nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang, tp. Long Khánh
Tổ được thành lập vào tháng 7 năm 2018, ban đầu có 41 hội viên tham gia. Các thành viên này có trách nhiệm tổ chức sinh hoạt, điều hành tổ hoạt động đạt hiệu quả trên tinh thần tự nguyện, công khai thảo luận và thống nhất hành động với mong muốn giúp đỡ, cùng hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Văn Anh Thơ, Tổ trưởng Tổ HND nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang, Tp. Long Khánh cho biết, đây là mô hình tốt, giúp nông dân trao đổi kỹ thuật, liên kết với nhau. Định kỳ 3 tháng họp và sinh hoạt 1 lần để các thành viên cùng trao đổi, góp ý, hướng dẫn chỉ nhau cách làm để đạt hiệu quả.
“Sau 01 năm thành lập, các thành viên tổ HND nghề nghiệp được tham dự các buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tổ HND nghề nghiệp còn được HND thành phố tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn từ nguồn quỹ HTND của tỉnh với dự án vay 400 triệu đồng. Sắp tới, HND thành phố tiếp tục tham mưu cho HND tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay cho các chi, tổ HND nghề nghiệp mới thành lập” - bà Trần Kiều Ngọc Trân, Ủy viên Ban Thường vụ HND thành phố Long Khánh chia sẻ.
Đến nay, tổ HND nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang đã vận động thêm 11 hội viên tham gia, nâng số thành viên của tổ lên 52 người, với diện tích canh tác gần 42 ha. Hiện các thành viên trong tổ đều áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây, giúp cây có trái quanh năm, năng suất và chất lượng bưởi tăng so với những năm đầu thành lập. Qua đó thu nhập hàng năm của các hộ cũng tăng, giúp các thành viên ổn định hơn trong cuộc sống.
* Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Chi HND nghề nghiệp cây ca cao xen điều xã An Viễn được thành lập vào tháng 10 năm 2020. Đến nay có 24 hội viên tham gia, với diện tích canh tác hơn 61 ha. Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hằng quý, các thành viên trong chi hội họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh, tìm nguồn phân bón, thuốc BVTV rẻ, chất lượng ổn định cho các thành viên. Đặc biệt, chi HND nghề nghiệp cây ca cao xen điều xã An Viễn đã được các cấp Hội, HTX NN-DV An Viễn, Công ty Bamboo Agriculture, quan tâm tổ chức cho hội viên nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, liên kết sản xuất và tiêu thụ trái ca cao tươi trong vùng.

Chi HND nghề nghiệp cây ca cao xen điều xã An Viễn, huyện Trảng Bom
Chi hội trưởng Chi HND nghề nghiệp cây ca cao xen điều xã An Viễn, huyện Trảng Bom, ông Đường Minh Giang cho biết, ngoài việc được tham gia trao đổi kỹ thuật, hội viên được bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, với giá thị trường là 6.200 đồng/kg ca cao tươi.
“Khi tham gia chi HND nghề nghiệp, tôi được hướng dẫn kỹ thuật, được vay vốn phát triển sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Bây giờ, tôi làm đạt năng suất gấp 03 lần so với trước đây” – anh Nguyễn Ngọc Hưng, nông dân xã An Viễn, huyện Trảng Bom cho hay.
Niềm phấn khởi đó cũng hiện lên trên từng gương mặt của những hội viên thuộc chi HND nghề nghiệp trồng lúa nước xã Long Phước, huyện Long Thành. Kể từ khi tham gia chi HND nghề nghiệp, bà con được các cấp Hội tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất.

Chi HND nghề nghiệp trồng lúa nước xã Long Phước, huyện Long Thành
“HND phối hợp với các công ty phân bón như Thanh Đức, Bình Điền, Con Cò Vàng, nhà may xay xát Tấn Phước...ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất” – ông Quản Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chi hội phó Chi HND nghề nghiệp trồng lúa nước xã Long Phước, huyện Long Thành chia sẻ tham gia chi HND nghề nghiệp, bà con được đi tập huấn, áp dụng KHKT vào thực tế. Trước khi tham gia chi HND nghề nghiệp, nông dân trồng lúa năng suất 4-5 tấn/ha. Nhưng kể từ năm 2016 tới nay, vụ Đông Xuân, nông dân làm đạt năng suất 8-9 tấn/ha. HND xã tìm được đầu ra tiêu thụ lúa nên người nông dân yên tâm gắn bó với đồng lúa.
Nhờ các cấp hội luôn quan tâm đến mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời giúp đỡ trong quá trình hoạt động nên những hội viên nông dân hết sức phấn khởi, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nhằm giúp các chi, tổ HND nghề nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả.
Kì Nguyên