Nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đã nâng cao cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng chiêu trò lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền qua hình thức giả cuộc gọi Video bằng công nghệ Deepfake.
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Trong đó có thủ đoạn hack các tài khoản mạng xã hội hoặc tạo tài khoản giả mạo sau đó vay mượn tiền và chiến đoạt tài sản. Tinh vi hơn, hiện nay các đối tượng phạm tội lợi dụng công nghệ Deepfake để tạo các cuộc gọi video giả mạo có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận định về phương thức lừa đảo này, đồng chí Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai cho biết Deepfake là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. Dựa trên tệp tin hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một số người ngoài đời thực, Deepfake sẽ sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của một người khác; sau đó tạo ra video giả mạo hoàn toàn đối tượng ngoài đời thực.
Phương thức của các đối tượng này là tìm kiếm thu thập thông tin các nhân được đăng công khai trên các tài khoản mạng xã hội… để tạo ra một kịch bản lừa đảo. Khi nạn nhân gọi điện bằng Video Call để kiểm tra thì chúng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa. Tuy nhiên, video do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh thực tế giao tiếp với nạn nhân, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện. Để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng thường tạo ra video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét, giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động/wifi yếu.
Bên cạnh đó, theo Trung tá Nguyễn Hải Dương không loại trừ khả năng các đối tượng phản động sử dụng các video giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí Lãnh đạo chính quyền địa phương để chỉ đạo các nội dung không đúng hoặc sử dụng các video giả mạo các người có sức hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL) đăng tải với nội dung kích động, tuyên truyền chống phá.
Việc sử dụng AI để lừa đảo trên không gian mạng sẽ có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Do vậy người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình. Đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường links lạ.
Để phòng, chống hiệu quả hành vi lừa đảo trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân khi nhận được tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội cần gọi trực tiếp qua số điện thoại người nhận để xác minh hoặc cần xác minh hoặc kiểm tra các thông tin bằng các câu hỏi riêng tư, thông tin bí mật giữa hai người. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, đề nghị người dân thường xuyên truy cập vào trang mạng xã hội Facebook của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Đồng Nai (địa chỉ Fanfage: http://facebook.com/ anm.cadongnai) để kịp thời nắm bắt các thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng./.