Phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.
Thôn Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nổi bật lên với những vườn cây trái xanh mướt. Ảnh: L.K.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đã được nhiều địa phương lựa chọn và triển khai thực hiện. Những mô hình du lịch này không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn mà còn tạo ra rất nhiều giá trị. Có thể kể đến như việc góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Nằm ở vùng trung du của tỉnh Quảng Ngãi, thôn Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho điều kiện khí hậu, thổ những phù hợp để phát triển các loại cây ăn trái. Những năm qua, các hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình cây ăn quả có giá trị, mang lại thu nhập cao như chôm chôm, sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh…
Bình Thành không chỉ có vậy. Nơi đây còn là vùng đất với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như trồng dâu nuôi tằm, gói bánh chưng, bánh xèo, bánh su sê; có di tích quốc gia cây đa và đình Lâm Sơn, chùa Lâm Sơn. Vậy nhưng, đã nhiều năm qua, những tiềm năng, lợi thế vốn có này của địa phương vẫn chưa thể phát huy.
Từ thực tế này, đầu tháng 3 vừa qua, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành (gọi tắt là HTX Bình Thành) với mục tiêu kết hợp những giá trị văn hóa lâu đời với thực tế phát triển hiện để tạo nét đặc trưng, thu hút du lịch trải nghiệm nông thôn. Mặc dù hoạt động chưa lâu, nhưng HTX Bình Thành cho thấy, hướng đi mà mình lựa chọn đã và đang mang lại những hiệu ứng rất tích cực.
Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ. Ảnh: L.K.
Theo Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó hướng tới thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Theo anh Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Bình Thành, thời gian qua, đơn vị này đã liên kết với người dân trong thôn đón được hơn 3.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm những sản phẩm du lịch cộng đồng, đồng thời tổ chức thành công 2 phiên chợ đêm ẩm thực đồng quê, thu hút gần 5.000 lượt khách đến tham dự. Hiện nay, HTX vẫn đều đặn đón các đoàn khách là các trường mầm non, tiểu học… đến tham quan trải nghiệm.
“Chúng tôi xác định sẽ phát triển từng bước, ban đầu sẽ tích cực đầu tư, quảng bá hình ảnh để thu hút khách còn theo tính toán thì chỉ thu lãi được từ sau 3 – 5 năm nữa. Vậy nhưng, hiện nay việc phát triển của HTX cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như chưa có nguồn đất để sản xuất, đầu tư du lịch; hệ thống hạ tầng vào các điểm du lịch xuống cấp; dù muốn phát triển quy mô rộng hơn nhưng thiếu quy hoạch chung. Do đó, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ngành địa phương”, ông Nam nói.
Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng là hướng đi mà nhiều người trẻ hiện nay đang hướng tới. Họ là những con người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm mục đích không chỉ để giới thiệu được những nét đẹp truyền thống, mộc mạc ở các vùng quê mà còn giúp cho người dân địa phương từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Mô hình du lịch cộng đồng ở làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) của cô gái trẻ Nguyễn Thị Diễm Kiều là 1 ví dụ điển hình.
Chị Kiều cho biết, lần đầu tiên đến với Gò Cỏ chị đã ấn tượng với nét đẹp hoang sơ, nguyên thủy của nơi này. Với nhiều người, đây có thể chỉ là 1 nơi “khỉ ho cò gáy”, nhưng với chị Kiều, ở đây có tất cả từ rừng, ghềnh đá, biển và những công trình kiến trúc của người Chăm Pa cổ xưa và cả các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Tất cả đó quá thuận lợi để phát triển 1 mô hình du lịch cộng đồng.
Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch sẽ tạo nên những giá trị bền vững. Ảnh: L.K.
Nghĩ đến là làm, suốt 2 năm trời, cô gái trẻ quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cùng ăn, cùng ở với người dân địa phương, hướng dẫn họ làm du lịch. Chị Kiều trân trọng tất cả những nét văn hóa của địa phương từ đó phát huy, nâng tầm giá trị để hấp dẫn du khách.
Đến nay, cộng đồng du lịch làng Gò Cỏ được hình thành với 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, các dịch vụ ăn uống, thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ. Du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như: Đan lưới, ăn, ở, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian… Những đoàn khách trong và ngoài nước đến đây không khỏi ấn tượng với những gì họ được trải nghiệm.
“Du lịch cộng đồng là sự chung tay của tất cả mọi người, hướng tới lợi ích chung. Bây giờ đa số người dân trong làng đã hiểu, biết cách làm du lịch cũng như lưu giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống. Đặc biệt là phải làm sao giữ được những nét nguyên sơ, ít tác động vào tự nhiên, sử dụng các vật liệu thân thiện để bảo vệ môi trường. Điều này cần phát trách nhiệm của cả cộng đồng mới phát triển bền vững được”, chị Kiều nói.