Sau nhiều năm theo đuổi nghề nuôi tôm, anh Nguyễn Huy Bình (44 tuổi), ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đã trải qua không ít thăng trầm với nghề. Từ năm 2018 đến nay, nhờ đầu tư hiệu quả mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã giúp gia đình anh có được thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống. Anh Bình vừa được Trung ương Hội Nông dân tuyên dương Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022 và được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2022; được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", giai đoạn 2017 – 2022.
Anh Bình không ngại chi hàng trăm triệu đồng đầu tư ao nuôi tôm công nghệ cao
Làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Trước đó, anh Bình nuôi theo dạng bạt bờ, với 3 ao nuôi ban đầu có tổng diện tích hơn 4 ngàn m2 . Sau khi được Hội Nông dân tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và tham quan các mô hình nuôi tôm ứng dụng khoa học kỹ thuật, anh Bình đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, giống tôm được anh lựa chọn là tôm thẻ chân trắng do Công ty CP, Việt Úc và một số công ty khác cung cấp.
Anh Bình cho biết: “Lúc đầu mình chỉ nuôi có 2 ao, gồm: 1 ao vèo (còn gọi là ao ương) và 1 ao nuôi; từ từ tăng lên 3 ao gồm: 1 ao vèo và 2 ao nuôi, mình đầu tư theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài", cứ có dư là mình lại mua đất để mở rộng diện tích nuôi tôm. Hiện tại, gia đình đang sở hữu 10 ao và hùn vốn thêm 9 ao, tổng cộng là 19 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích mỗi ao nhỏ nhất là 500 m2 và lớn nhất là 1.500 m2".
Theo anh Bình, để cho ra được một vụ tôm thành phẩm cần 2 – 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 20 – 30 ngày, mật độ thả từ 250 – 300 con/m2 ; tôm thu hoạch có giá bán ra dao động từ 150 ngàn đồng/kg.
Nếu may mắn mua được con giống tốt sẽ giảm bớt một phần chi phí; bên cạnh đó quá trình kiểm soát nguồn nước đầu vào cũng rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến chất lượng tôm. Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý dịch bệnh trên tôm, anh Bình cho hay: “Trường hợp tôm bị dịch bệnh thì mình tiến hành làm sạch nước, thay nước, bổ sung dinh dưỡng cho tôm, nếu không xử lý được thì bán tôm nhỏ để lấy vốn, các bệnh tôm thường gặp như: bệnh đường ruột, chết nhanh, đốm trắng,...khi nuôi theo kiểu công nghệ cao thì các loại bệnh trên tôm được mình kiểm soát tốt hơn so với nuôi truyền thống do kiểm soát được nguồn nước đầu vào. Những vụ thuận, sau 2 tháng thì có thể thu hoạch sản lượng từ 4 - 5 tấn. Sau khi trừ hết các chi phí anh thu về lợi nhuận từ 200 – 250 triệu đồng".
Vẫn mong chờ nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư sản xuất
Ngoài diện tích đất của gia đình, anh Bình còn hùn với một số bạn bè thuê 13ha tại ấp Vũng Gấm, xã Phước An để đầu tư 9 ao nuôi tôm. Do đó anh đang có nhu cầu vay vốn khá cao, anh Bình cho biết đang vay của một số ngân hàng, với mức lãi suất khoảng 1%/tháng. Anh cũng mong địa phương và Hội Nông dân các cấp có phương án hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho nông dân nuôi tôm ứng dụng khoa học kỹ thuật vì đây là mô hình cần đầu tư vốn ban đầu khá cao, do đó nông dân trông chờ nhiều hơn vào nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước.
Tại huyện Nhơn Trạch, phương thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là định hướng chung của địa phương, trong đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được các ngành chức năng khuyến khích. Do đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân, nhất là vốn vay rất cần được các ngành, các cấp quan tâm, thực hiện, kịp thời động viên, tạo điều kiện để nông dân tiếp tục gắn bó với nghề, từ đó làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội.