Không những là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà ông Thân Văn Điệp (57 tuổi), ngụ ấp Đoàn Kết, xã Vĩnh Thanh còn giỏi công tác vận động, huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn (GTNT) và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; ông cũng sẵn sàng quyên góp, vận động khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, phân phát cho người dân trong các khu phong tỏa trên địa bàn.
Ông Thân Văn Điệp - Hội viên nông dân xã Vĩnh Thanh “2 giỏi”
Xuất phát điểm từ nghề làm nông nên ông trở thành hội viên nông dân từ rất sớm, nhờ sản xuất giỏi và thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương nên ông được tín nhiệm trở thành Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân ấp Đoàn Kết vào năm 2002 cho đến nay.
Hiện tại, ông Điệp đang trồng các loại nông sản như: Bí xanh, bí đỏ, mướp trên diện tích đất hơn 9 ngàn mét vuông, mỗi loại nông sản được ông trồng khoảng 2,5 - 3 ngàn mét vuông. Mỗi vụ trồng khoảng 90 ngày ông bắt đầu thu hoạch, trung bình mỗi ngày ông thu hoạch từ 200 – 300kg nông sản, riêng bí xanh và mướp cho năng suất cao nhất, còn bí đỏ thu hoạch với khối lượng khoảng 1,5 tấn/1 ngàn m2, bình quân mỗi mùa vụ ông Điệp thu lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng, trung bình hơn 20 triệu/tháng.
Để tiết kiệm công sức, ông đã sử dụng máy móc, xây trụ bê tông và ứng dụng công nghệ cao như: đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Irael và phủ bạt để hạn chế cỏ mọc gây hại, cứ 3 năm thì thay mới đường ống nước một lần; sau 2 mùa vụ ông sẽ tiến hành xới đất bằng máy, sau đó bỏ phân, đi lại đường ống nước và phủ bạt lên trên, ông cũng ưu tiên sử dụng phân đầu trâu và phân gà để đạt năng suất cao; đối với bạt phủ được ông thay mới sau 1 năm. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài", khi có tiền tích lũy ông lại đầu tư hệ thống tưới nước, phủ bạt thêm cho vườn nông sản, mỗi lần từ 20 – 30 triệu đồng, nhờ vậy nên vụ mùa nào cũng cho sản lượng rất cao.
Ông Điệp cho biết, trước đây ông chỉ trồng theo kiểu truyền thống là gieo hạt trực tiếp xuống đất và tưới nước bằng sức người. Nhưng sau nhiều lần được Hội Nông dân xã Vĩnh Thanh và Hội Nông dân huyện tạo điều kiện đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, thấy được tính hiệu quả nên ông không ngại chi hàng chục triệu đồng để đầu tư. Bên cạnh đó, ông cũng nhờ con trai tìm hiểu thêm cách làm trên mạng rồi tự mua vật liệu và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ nước theo hướng dẫn.
Ông Điệp chia sẻ thêm: “Lúc đầu để đục lỗ gieo hạt giống tôi học theo cách làm trên mạng nhưng mất rất nhiều thời gian và công sức. Sau này, tôi mới nghĩ ra một cách rất hay đó là dùng lon sữa bò, đục lỗ và cắt theo hình răng cưa cho thật nhọn, rồi cứ thế ấn xuống lớp bạc sẽ bị đứt rời và tạo thành lỗ tròn, để đo khoảng cách giữa các lỗ, tôi dùng đoạn cây xác định chiều dài nên tiết kiệm rất nhiều công sức".
Ông dự định khi tuổi cao, sức khỏe không còn nhiều sẽ chuyển sang chăn nuôi bò vì ít tốn công sức, với diện tích đất rộng ông cũng tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Mặc dù chưa triển khai nhưng ông đã tiên phong tham gia vào Chi hội nghề nghiệp nuôi trâu, bò sinh sản xã Vĩnh Thanh để vận động các hộ đang nuôi trâu, bò tham gia vào chi hội, từng bước góp phần xây dựng chi hội vững mạnh và giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Thời điểm dịch Covid-19, ông Điệp đã đóng góp hàng tấn nông sản nhà trồng cho người dân các khu phong tỏa, ông cũng bán nông sản cho một số thương lái thu mua nhưng với giá rẻ đủ để gia đình chi tiêu trong những tháng dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, với vai trò là Trưởng ban công tác mặt trận ấp, ông còn đi vận động các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói phát cho công nhân, người lao động thuê trọ; không những vậy, ông còn tham gia trực chốt và vận chuyển lương thực, thực phẩm, khi rảnh ông lại cắt nông sản để dành phát cho người dân trong ấp. Sau khi hết giãn cách, ông tiếp tục vận động các mạnh thường quân đóng góp hơn 2 tấn gạo tặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Chỉ trong vòng 2 năm, ông đã cùng với Ban ấp đi từng nhà vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động làm đường GTNT, đến nay đã có hơn 95% tuyến đường GTNT được bê tông hóa, đạt tiêu chí “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp".
Với thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm từ nông nghiệp đã giúp gia đình ông có cuộc sống đầy đủ, cả 4 người con đều tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học và có việc làm ổn định. Tuy ở độ tuổi gần 60 nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu những cách làm hay để ứng dụng vào công việc, vừa tạo thu nhập cho bản thân và giúp đỡ những hội viên mới.
Từ những đóng góp cho công tác hội và tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm, chia sẻ với người dân khó khăn, ông Thân Văn Điệp đã được Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp khen thưởng và được UBND huyện tặng giấy khen nhiều năm liền.