Ông quản đốc ngành dệt, lương cao...mê làm nông nghiệp
Thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, chúng tôi biết đến được mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao của ông Trần Quang Tính. Trò chuyện với Dân Việt, ông cho biết, bước chân vào làm nông nghiệp với khởi điểm chỉ có một xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị chăn nuôi.
Sau 14 năm làm nông nghiệp, ông Tính đã là Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt. Công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, sản xuất phân bón và rau, quả sạch.
Ông Trần Quang Tính ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai về mô hình trồng đưa lưới. Ảnh: BM
Ông Tính cho hay, Công ty đã xây dựng được một quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Trong đó, chất thải chăn nuôi được ông dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho trang trại công nghệ cao trồng rau quả sạch trong nhà màng.
"Tôi từng làm quản đốc tại một tập đoàn lớn trong ngành dệt với mức lương cao vì có rất nhiều sáng kiến. Cái máy cả triệu USD tôi cũng chế tạo được. Nhưng tôi vẫn quyết định trở thành nông dân vì mê làm nông nghiệp sạch mặc dù lúc đó gia đình phản đối", ông Tính chia sẻ với Dân Việt.
Hiện nay, trang trại của ông Tính rộng 13 ha trồng rau, quả hữu cơ. Ảnh: BM
Với nền tảng có xưởng sản xuất thiết bị chăn nuôi. Ban đầu, ông Tính đã đầu tư trang trại nuôi gà với quy mô 200.000 con tại tỉnh Tây Ninh. Trang trại chăn nuôi gà được ông thiết kế hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà, hệ thống làm mát... nên trại nuôi không mùi, không ruồi. Chính vì vậy, thiết bị cơ sở của ông Tính cung cấp luôn được khách hàng đánh giá cao.
Ông Tính chia sẻ: "Sau 14 năm đầu tư vào nông nghiệp, quá trình “giải mã” lâu nhất của tôi là với con gà. Theo đó, xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém. Tôi lại bỏ công nghiên cứu để có thể kiếm được tiền thay vì phải mất chi phí xử lý nguồn chất thải này. Đến nay, tôi đã xây dựng được chuỗi khép kín từ làm con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ".
Để có nguồn đất sạch để canh tác rau, quả hữu cơ, ông Tính đã phải lấy đất từ Bình Thuận về để canh tác. Ảnh: BM
...Cho đến trang trại hữu cơ trồng dưa lưới, măng tây rộng 13ha
Để xử lý môi trường trong chăn nuôi, ông Tính đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) với công suất 200 tấn/ngày, kết hợp đầu tư xây dựng trang trại trồng rau, quả sạch trong nhà màng rộng 13 ha.
Điều đặc biệt đã làm nên "thương hiệu" của ông Tính, đó là ông không bê nguyên công nghệ từ nước ngoài về sử dụng mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng; tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây... giúp tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài về sử dụng. Ông cũng ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất từ tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên xanh, sạch này...
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của ông Tính tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: BM
Chia sẻ với Dân Việt, ông Tính cho rằng, muốn làm được nông sản hữu cơ phải đạt những điều kiện khắt khe như: đất, nước, phân bón, môi trường... đều phải sạch. "Đất ở đây không đạt chuẩn nên tôi tự làm đất sạch bằng cách đưa cát chưa từng được canh tác nông nghiệp từ tỉnh Bình Thuận về trộn với phân hữu cơ. Tôi cũng cho khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm dưới sâu và xử lý để đạt độ an toàn. Tôi từng phải gỡ bỏ 4 nhà lưới vì con nhện trắng chỉ nhỏ như đầu kim; con bướm đẻ trứng... đều có thể lọt qua lớp lưới và hình thành ổ dịch bên trong nhà lưới. Muốn sản xuất sạch, nông dân buộc phải đầu tư nhà màng", ông nói.
Ông Tính cho biết, các sản phẩm rau, quả sạch đều được đưa về cửa hàng của Công ty tại TP.Hồ Chí Minh để bán và khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... muốn đặt hàng xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất phân gà hữu cơ của ông Trần Quang Tính tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: BM
"Mục tiêu tôi làm hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính là để xây dựng thương hiệu rồi quay về phục vụ cho gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước", ông Tính chia sẻ.
Để làm được điều này, chỉ Công ty Trang Trại Việt không thể đáp ứng. Vì vậy, ông Tính đã thử nghiệm và chọn ra những loại rau quả cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, măng tây... Đây là những sản phẩm rất phù hợp với điều kiện khí hậu của Đồng Nai.