Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, đảm bảo cho việc sản xuất cũng như xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân, trong thời gian qua, Hội Nông dân Thành phố Long Khánh đã phát động tuyên truyền, vận động nông dân nuôi trồng sinh vật bản địa IMO 4, ủ các loại phân bón, thuốc trừ sâu theo hướng hữu cơ, sinh học. Người nông dân đã phấn khởi tham gia, mô hình được lan tỏa và mở rộng vì hiệu quả thiết thực mà nó mang lại.
Trên địa bàn thành phố hiện có 180 điểm nuôi, nhân vi sinh bản địa IMO, được thực hiện tại 180 hộ gia đình với diện tích khoảng 200 ha trên các loại cây trồng như sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít và các loại rau.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố (thứ hai từ trái qua) kiểm tra các hộ làm IMO
Trước mắt, nông dân đã sử dụng chế phẩm IMO để khử mùi chuồng trại, hố rác, tưới vào gốc cây trồng để cải tạo đất, nuôi rễ. Riêng các hộ đã thực hiện tốt, Hội Nông dân thành phố tiếp tục hướng dẫn sử dụng dung dịch IMO để nuôi, sử dụng ủ các loại rác thực vật như: cá chết, rác bếp, trái cây, rác nông nghiệp… để làm phân, thuốc chăm sóc cho cây trồng.Anh Thòng Tuấn Thịnh - Khu phố Bàu Sen, phường Bàu Sen, TP. Long Khánh cho biết: “Được tham gia tập huấn do Hội Nông dân thành phố tổ chức, tôi đã áp dụng công nghệ IMO 4. Sau một khoảng thời gian thử nghiệm thì tôi thấy cây cối phát triển rất tốt, lá ra xanh, dày đẹp”.
Ông Nguyễn Văn Cư - Khu phố Bàu Sen, phường Bàu Sen, TP. Long Khánh chia sẻ: “Năm vừa rồi tôi không biết nên dùng phân hóa học nhiều quá thừa đạm nên cây bị thối cổ rễ. Sau đó, tôi mới làm IMO này và nhân Trichoderma thứ cấp, pha trộn lại rồi tưới, 02 thứ này mình làm được vì giá thành rẻ, khi tưới lượng nhiều thì tôi thấy cây phục hồi từ từ”.
Ngoài việc thực hiện thành công các điểm nuôi, nhân vi sinh bản địa IMO, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động mở rộng thêm 20% các điểm IMO mới. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện thành công, tiếp tục chia sẻ, lan tỏa và nhân rộng đến các hộ khác đang trực tiếp sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Khánh cho biết: “Không chỉ sử dụng cho cây công nghiệp như cà phê, tiêu mà nó rất tốt cho cây ăn trái như sầu riêng, mít, dưa lưới theo hướng công nghệ cao hiện nay và đã được người nông dân phấn khởi tiếp nhận và đang tuyên truyền với nhau mở rộng mô hình này, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Long Khánh. Mục tiêu cuối cùng cũng là đem lại sức khỏe cho mọi người, cũng như là người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm nông nghiệp sạch”.
Việc ứng dụng công nghệ IMO phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân trên địa bàn thành phố tiếp cận được những ứng dụng mới về khoa học kỹ thuật, hướng nông dân tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại nơi sản xuất để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo đầu ra nông sản từ sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ theo định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố và tỉnh Đồng Nai.