Vừa qua, Hội Nông dân xã Sông Trầu phối hợp cùng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tham quan mô hình trồng nấm hồng chi của anh Nguyễn Văn Tú ở ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom.
Sông Trầu là địa phương có nhiều hộ trồng nấm, chủ yếu các hộ gia đình trồng nấm rơm, nấm mèo, bào ngư, nấm sò, nấm hồng chi…, trong đó mô hình trồng nấm hồng chi của gia đình anh Nguyễn Văn Tú (Ấp 6, xã Sông Trầu) mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn.
Là người có gần chục năm gắn bó với nghề trồng nấm, trước đây gia đình anh Tú bắt đầu khởi nghiệp từ trồng nấm mèo, nấm sò, nấm rơm, sau đó tận dụng các bịch phôi đã qua sử dụng để trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây do đầu ra không còn ổn định, thu nhập không ổn định. Qua tìm hiểu anh Tú nhận thấy nấm hồng chi cho năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao hơn, anh Tú đã tận dụng giàn nấm đã có sẵn để trồng thêm nấm hồng chi.
Ban đầu, anh Tú trồng thí điểm 8000 phôi trên một trại nấm, sau khi thí điểm thành công đến nay anh đã phát triển thêm 3 trại, với khoảng 40.000 bịch nấm hồng chi. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, anh thu hoạch được hơn 1,5 đến 1,7 tạ nấm, giá bán 550.000/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu về 35-40 triệu đồng/vụ. Hiện toàn bộ sản phẩm nấm hồng chi của anh đều có đầu mối thu mua.
Trại nấm hồng chi của anh Nguyễn Văn Tú
Trại nấm của anh Tú đã giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Cao điểm có tới 6 đến 7 công nhân làm việc cho trại nấm. Anh Tú còn là hội viên nông dân nòng cốt của Hội Nông dân xã, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho bà con nông dân trồng nấm. Với tinh thần ham học hỏi, cần cù trong lao động hiện tại anh đã học được cách làm meo nấm hồng chi và các loại nấm khác.
Ông Hà Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom cho biết: Nấm hồng chi là mô hình mới tại địa phương. Đây là loại nấm cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại khác. Đặc biệt, đây là mô hình nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Đối với các mô hình mới, Hội Nông dân cũng chủ động liên hệ với Hội Nông dân cấp trên và phòng ban chuyên môn của huyện tư vấn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật nhằm giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức để áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.