Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đây cũng là chủ trương phát triển nông nghiệp mà huyện Xuân Lộc đã và đang hướng tới.
Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng quan tâm chú trọng. Việc triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao đang được người nông dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai quan tâm hưởng ứng. Trong đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao được nhiều nông dân ở ấp Trảng Táo xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc quan tâm đầu tư sản xuất. Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định, năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao.
Ông Phạm Xuân Dược - thành viên Tổ hợp canh tác cây dưa lưới ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành chia sẻ, vào năm 2021 ông bắt đầu và áp dụng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích 3.000 mét vuông với 03 vòm nhà màng, các hệ thống nước và phân bón được tưới qua hệ thống nhỏ giọt nên vườn dưa lưới của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ sau 70 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trọng lượng từ 1,2 - 2 ký mỗi trái, với giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Vụ dưa lưới đầu tiên đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng (sau khi trừ chi phí đầu tư).
Ông Nguyễn Tuấn Anh - TUV - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai thăm quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại ấp Trảng Táo-xã Xuân Thành-huyện Xuân Lộc
Chia sẻ về chọn lựa trồng dưa trong nhà màng, ông Dược cho biết, khi trồng trong nhà màng sẽ hạn chế được sâu bệnh gây hại. Nếu canh tác theo kiểu truyền thống thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ sinh trưởng phát triển tốt vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi. Tuy nhiên, khi canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì chủ động được thời tiết, không quá lệ thuộc vào tự nhiên. Do đó, đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ như lối canh tác truyền thống.
Có thể nói mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm của ông Dược đã góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất. Đồng thời mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đây cũng là cơ hội giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm tiếp cận cao nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Từ những kết quả tích cực mà mô hình đạt được, Tổ hợp canh tác cây dưa lưới ấp Trảng Táo xã Xuân Thành được Hội Nông dân huyện giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân để phát triển mô hình “Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ trong nhà màng”. Đến nay, nông dân trên địa bàn xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc đã triển khai, nhân rộng diện tích trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao lên 27ha.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời, gắn với nhu cầu thị trường, mở ra hướng đi tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Xuân Lộc.