Hộ bà Nguyễn Thị Chính ở ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) là một điển hình thành công trong việc áp dụng các giải pháp sinh học hữu cơ vào canh tác Bưởi da xanh. Nhờ áp dụng mô hình này, bà đã giảm được chi phí đầu tư phân bón, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Trước đây, bà Chính sử dụng phân hóa học để chăm sóc vườn bưởi 0,5 ha của mình; mỗi năm, bà phải sử dụng tới 2 tấn phân NPK các loại. Tuy nhiên, từ năm 2021, sau khi được Hội Nông dân xã Tây Hòa cho đi học hỏi, tham tham quan mô hình về kỹ thuật ủ đạm cá và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng, bà đã chuyển sang áp dụng mô hình canh tác hữu cơ cho vườn bưởi của mình.
Phương pháp ủ đạm cá của bà Chính khá đơn giản, nguyên liệu gồm: 300 kg cá nước ngọt + 30 lít mật rỉ đường + 3 kg nấm Trichoderma + 2 chai EM2 + 15 kg vỏ trái thơm, ủ trong thời gian từ 60 đến 90 ngày, sau khi ủ xong, thu được 240 lít dung dịch đạm cá. Bà Chính cho biết “So sánh giá thành giữa dung dịch đạm cá tự sản xuất với giá bán dung dịch đạm cá trên thị trường thì chỉ bằng 1/3 giá của thị trường nhưng hiệu quả mang lại cho cây trồng thì tương đương nhau”.
Gia đình bà Chính ủ đạm cá tại vườn bưởi của gia đình
Bà Chính sử dụng dung dịch đạm cá tự ủ để bón cho vườn bưởi, kết hợp với phân bón hữu cơ vi sinh. Nhờ vậy, bà đã giảm được lượng phân NPK sử dụng xuống còn 500 - 600 kg mỗi năm. Kết quả, năng suất thu hoạch không thay đổi so với trước đây, mẫu mã sản phẩm và chất lượng trái bưởi được nâng cao đáng kể, chi phí đầu tư cho phân bón giảm, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, bà Chính đang tham gia thực hiện mô hình "Sử dụng các giải pháp sinh học hữu cơ trong canh tác bưởi" của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trảng Bom, thời gian thực hiện là 1 năm, bắt đầu từ tháng 3/2024. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp bà nhân rộng cách làm hiệu quả của mình ra các hộ trồng bưởi khác trong khu vực.
Mô hình của bà Nguyễn Thị Chính là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp sinh học hữu cơ vào chăm sóc cây trồng. Mô hình này không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường.