Với mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm sạch, đạt chất lượng, nông dân Vũ Quốc Huyên ngụ ở ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều nông dân tại địa phương.
Năm 2023, ông Huyên bắt đầu tìm hiểu và áp dụng mô hình trồng dưa lưới giống Hami 88 trong nhà màng và ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 600 mét vuông. Ông áp dụng quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo hướng Vietgap bao gồm các công đoạn như: xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống. Đặc biệt áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ tiên tiến, hệ thống tưới tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc đáp ứng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi chặt chẽ nên vườn dưa lưới của gia đình ông Huyên sinh trưởng và phát triển xanh tốt; sau gần 70 ngày cây cho thu hoạch trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/ trái. Với giá bán dao động từ 23 đến 28 ngàn đồng/kg (tùy loại) vụ dưa lưới đầu tiên đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 41 triệu đồng/600 mét vuông sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư. Theo ông Huyên đầu tư trồng trong nhà màng mặc dù chi phí ban đầu cao nhưng tính bền vững của hệ thống nhà màng rất tốt. Cùng với đó hệ thống nhà màng này có ưu điểm vượt trội giúp che mưa, che nắng, giảm tỷ lệ côn trùng xâm nhập nên đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.
Ông Vũ Quốc Huyên bên mô hình trồng dưa lưới
Có thể nói mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm của ông Huyên đã góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất. Đồng thời mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương; đây cũng là cơ hội giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm tiếp cận cao nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.