Trong điều kiện khu vực trên địa bàn xã Xuân Thành chăn thả ngày càng thu hẹp, việc chăn nuôi lợn, gia cầm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như giá cả bấp bênh thì việc xây dựng mô hình chăn nuôi “bò vỗ béo” nhốt chuồng đang là hướng đi mới, có giá trị kinh tế cao, thu hút được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Với phương châm “Lấy công làm lãi”, nông dân nuôi bò vỗ béo đã tận dụng diện tích đất vườn trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho bò và tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi về vốn đã tạo điều kiện giúp nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển đàn vật nuôi; các cấp, các ngành quan tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của hộ gia đình anh Nguyễn Minh Thành
Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Minh Thành - ấp Tân Hợp, xã Xuân Thành, năm 2022 với mục tiêu phát triển mô hình kinh tế trang trại của gia đình theo hướng đa con, anh Thành đã đầu tư nuôi “bò vỗ béo” bằng hình thức nuôi nhốt chuồng với lượng đàn bò luôn duy trì từ 60 đến 85 con. Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn bò cũng như giảm chi phí trong chăn nuôi, anh Thành trồng cỏ và tích trữ thêm rơm khô để làm thức ăn dự trữ. Vì vậy, nguồn thức ăn cho đàn bò luôn đảm bảo. Theo anh Thành, nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng không tốn nhiều công lao động và cho hiệu quả kinh tế cao; trong chăn nuôi người dân có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, chuồng nuôi đảm bảo sạch sẽ, nắm vững kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin phòng bệnh, đàn bò sẽ lớn nhanh, năng suất thịt cao, bán được giá. Trong 02 năm qua, nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên đàn gia súc của gia đình anh Thành phát triển tốt, cho thu nhập khoảng 145 đến 170 triệu đồng/ năm, sau khi trừ chi phí.