Xã Phước An, huyện Nhơn Trạch từ lâu nổi tiếng có món đặc sản là Mắm tôm chua, trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân làm mắm tôm chua và duy trì một ngành nghề lâu đời tại địa phương. Mới đây, 10 hộ nông dân của xã cũng đã được tỉnh hội trao số vốn 500 triệu đồng để giúp các hộ phát triển nghề chế biến mắm tôm chua.
Tại cơ sở làm mắm tôm chua Bà Tám do bà Phan Thị Thài làm chủ thuộc ấp Bàu Bông, xã Phước An, với thâm niên hơn 20 năm trong nghề nên mắm tôm chua của bà là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều người khi muốn mua biếu tặng, bởi thịt tôm chắc ngọt, hương vị thơm ngon.
Bà Phan Thị Thài – Chủ cơ sở mắm tôm chua Bà Tám cho biết: “Món này ngon thì phải chọn tôm chì mà phải là tôm tươi, tôm thiên nhiên của mình rất là ngon, rất là dai vì vùng Phước An nổi tiếng là vùng có tôm tươi, món ăn này từ thời ông bà đã có rồi bây giờ truyền lại cho mình, thường được ăn chung tuỳ theo ý thích của mọi người như là trộn với đu đủ hoặc dưa leo, ăn không hoặc ăn với bún cũng rất ngon”.
Để làm ra món tôm chua nhưng lại không quá chua hay quá mặn, kinh nghiệm làm tôm chua của bà là tôm phải lựa chọn loại tôm chì, còn tươi, tôm sau khi được làm sạch thì ngâm với rượu trắng trong vòng 30 phút để khử hết mùi, sau đó tẩm ướp gia vị trộn đều với tỏi, ớt xay nhuyễn và nước mắm thắng đường để trung hoà với vị chua khi tôm lên men tự nhiên.
Bà Phan Thị Thài dùng nước mắm thắng đường để món tôm chua thêm đậm vị
Trung bình mỗi tháng bà bán gần 200 hũ mắm, còn dịp Tết thì bà phải trữ hơn 3 ngàn hũ mới đủ số lượng bán ra. Bà Thài cho biết thêm: “Ngày thường mình làm khoảng 200 hũ mỗi tháng, còn ngày tết thì làm nhiều hơn vì bà con rồi công nhân về quê mua làm quà biếu như thành phố, miền tây cũng đều mua làm quà biếu rất là nhiều”.
Nhận thấy tiềm năng của món ăn đặc sản địa phương, Hội Nông dân xã Phước An đã có những định hướng và hỗ trợ các hộ dân để lưu giữ được nghề truyền thống này. Ông Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho hay: “Hiện tại trên địa bàn xã Phước An có khoảng 30 hộ sản xuất, kinh doanh mắm tôm chua, đến nay Hội Nông dân xã Phước An đã thành lập được 1 chi hội nghề nghiệp mắm tôm chua với 20 hộ, đầu năm hội đã phối hợp và tham mưu với Hội nông dân huyện cấp nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân đối với 10 hộ để hỗ trợ các hộ phát triển mô hinh mắm tôm chua này, đến tháng 10 hiện mỗi hộ được vay vốn ưu đãi là 50 triệu đồng, hội cũng tư vấn để các hộ sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả nhất”.
Nghề làm mắm tôm chua được xã Phước An xác định là ngành nghề mũi nhọn giúp cho người dân nâng cao thu nhập trong lúc nhàn rỗi. Sản phẩm này cũng dự kiến là sản phẩm OCOP của xã Phước An trong năm 2024.