Nhờ biết tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới trong nhà màng mà hiện nay gia đình hội viên nông dân Phùng Hải Đăng (sinh năm 1981) và chị Phạm Bảo Trân (sinh năm 1989) trở thành mô hình điểm tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch khi đã trồng thành công giống dưa lưới Huỳnh Long, sau khi trừ các chi phí cho thu nhập mỗi năm lên đến 1 tỷ đồng, hiện tại anh chị cũng đã xây dựng được thương hiệu dưa lưới “Nàng Nấm Garden”, được người tiêu dùng biết đến.
Năm 2019, vợ chồng anh Đăng và chị Trân quyết định chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về huyện Nhơn Trạch để sinh sống và lập nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Thời gian đầu mới làm nông nghiệp, cả hai vợ chồng hầu như không biết nhiều về trồng trọt và nghĩ rằng trồng dưa lưới trong nhà màng chỉ cần trồng theo quy trình nhưng để có được thành công như hiện tại chính là sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều lần thất bại.
Chị Trân tâm sự: “Khi mình mới làm do không có kinh nghiệm và kiến thức về trồng trọt nên phụ thuộc rất nhiều vào công ty hướng dẫn kỹ thuật, nhưng chỉ hỗ trợ được vụ đầu tiên và sau đó thì mình phải tự tìm hiểu trên các hội nhóm trồng dưa lưới, cộng với thời gian mình trồng cũng đúc kết ra nhiều vấn đề hơn và rút kinh nghiệm từ đó, ở xã khi thấy mình trồng cũng có xuống, hỏi han và chia sẻ kinh nghiệm thêm về mô hình này”.
Trồng dưa lưới trong nhà màng có số vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng lại là mô hình có tỷ lệ hoàn vốn và sinh lời nhanh. Riêng vườn dưa của vợ chồng anh Đăng chị Trân thì 1 ngàn m2 cần số vốn khoảng 330 triệu đồng. Hiện vườn dưa lưới của anh chị tại xã Phước An có diện tích khoảng 2.500 m2 và tại xã Phú Đông cũng trồng với diện tích tương đương.
Theo chị Trân, mỗi năm dưa thu hoạch được 4 vụ, cứ 1 ngàn m2 cho sản lượng dưa từ 3,5 – 4 tấn, tuỳ theo thị trường đang chuộng giống dưa nào thì vườn sẽ trồng giống đó. Hiện tại vườn của anh chị đang trồng 2.600 gốc dưa lưới Huỳnh Long, hạt giống được nhập khẩu từ Malaysia, giá bán ra khoảng 45 ngàn đồng/kg và được thương lái đến tận vườn thu mua, chủ yếu bán cho các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh.
Anh Đăng cho biết thêm: “Vườn dưa đạt năng suất cao là do một phần chúng tôi không dùng đất để trồng mà dùng hỗn hợp gồm xơ dừa trộn với phân hữu cơ vi sinh, tro trấu để tạo thành một bầu giá thể nhằm hạn chế rủi ro mầm bệnh có trong đất, riêng phần xơ dừa được xử lý bằng vôi khoảng 10 ngày để trôi hết chất chát, giúp cho rễ hút chất dinh dưỡng tốt hơn”.
Đặc biệt, đối với hệ thống tưới được đầu tư theo công nghệ Israel tưới nhỏ giọt, trên cơ sở nền tảng kỹ thuật ban đầu, anh chị đã tìm hiểu từ những nhà vườn đi trước để cải tiến và nâng cấp hệ thống tưới nước để phù hợp với vườn dưa của mình, mỗi ngày hệ thống sẽ tự động bơm nước tưới cho cây khoảng 20 lần, mỗi lần tưới cách nhau 30 phút giúp cây cân bằng độ ẩm và chỉ số dinh dưỡng, tại vườn dưa lưới của gia đình, mỗi trái dưa đạt chuẩn có cân nặng từ 1,6 – 1,8kg.
Ông Lê Ngọc Lân – Bí thư Đảng uỷ xã Phước An cho biết: “Theo tôi thì đây là một mô hình rất hay, qua tìm hiểu chủ vườn cũng cho thấy hiệu quả, với góc độ của địa phương cũng cần phải quan tâm để nhân rộng, bởi thực tế trong tiến trình đô thị hoá thì việc chuyển đổi nông nghiệp để phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương là điều hết sức cần thiết. Phước An là địa phương còn nhiều tiềm năng về diện tích đất đai, điều kiện khí hậu, tự nhiên để thu hút và nhân rộng mô hình này”.
Chị Phạm Bảo Trân giới thiệu về mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho lãnh đạo xã Phước An
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An - Phạm Thanh Tuấn chia sẻ: “trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội Nông dân xã cũng xác định phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ để phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là mô hình dưa lưới, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện và phân công Hội Nông dân xã làm cầu nối để giới thiệu nhân rộng cho các nông dân khác, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn vay cho nông dân có thêm điều kiện để đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng”.
Hiện xã Phước An là địa phương còn nhiều quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, do đó các mô hình trồng trọt, sản xuất có hiệu quả theo mô hình nông nghiệp đô thị được địa phương ưu tiên, tạo điều kiện nhân rộng để phù hợp với định hướng phát triển lên đô thị loại III của huyện Nhơn Trạch vào năm 2025.