Nắm bắt được tiềm năng 'màu mỡ' thị trường hoa lan tại nước ta, HTX Hoa lan Việt đã đầu tư công nghệ cấy mô nhằm chủ động nguồn giống chất lượng, giảm giá thành.
Vườn lan Thuận Khanh - thành viên của HTX Hoa lan Việt. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Bước ngoặt từ phòng cấy mô công nghệ cao
Anh Trần Anh Thi, Phó Giám đốc HTX Hoa lan Việt (ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là chủ nhân của vườn lan “Hoa lan giống”. Vườn lan xanh mướt được che bởi nhà lưới, xung quanh có quạt, camera giám sát, hệ thống phun tưới tự động…
Chiêm ngưỡng những giỏ lan được treo thẳng đứng hay những chậu lan để trên các dàn đều tăm tắp, xen lẫn là đủ các màu sắc của những bông hoa lan rực rỡ mới thấy được sự kỳ công tỉ mỉ chăm sóc của bàn tay người trồng lan. Riêng anh Thi có 3 vườn lan, 2 phòng cấy mô với tổng diện tích 4ha, thu về lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm.
Là người từng nhập cây lan giống của nước ngoài về cung cấp cho các vườn lan, anh Thi thấy được lợi nhuận từ việc sản xuất cây giống là rất lớn. “Nhà vườn ở Việt Nam có tới 70% là nhập giống lan từ nước ngoài, đặc biệt là giống của Thái Lan. Lúc đó tôi nghĩ, sao mình lại không sản xuất hoa lan giống để cung cấp cho thị trường trong nước. Thế là tôi quyết tâm làm phòng nuôi cấy mô cho bằng được và là phòng cấy mô đầu tiên của HTX, sau đó truyền lại kinh nghiệm cho anh em trong HTX cùng làm. Có ứng dụng công nghệ cao như vậy, mình mới lai tạo được giống mới, giống quý hiếm mang lại giá trị kinh tế cao”, anh Thi nói.
Phòng cấy mô của vườn lan "Hoa lan giống" - thành viên HTX Hoa lan Việt. Ảnh: Trần Trung.
Cùng với đó, anh Thi cũng hiểu được các nhà vườn của Việt Nam có nhu cầu về giống nào sẽ sản xuất đúng giống đó, những giống nào Thái Lan sản xuất nhiều thì “né” ra. “Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện phòng cấy mô của riêng mình, từ đó có thể cung cấp được cây giống đạt chất lượng cho các nhà sản xuất trong nước”, anh Thi cho hay.
Quan sát quá trình cấy mô, quả thật rất công phu. Chai để chứa cây mô phải được khử trùng. Khi cây con được cho vào trong chai, sẽ được đưa vào máy lắc, lắc một thời gian ở nhiệt độ 25 độ C trở xuống, sau đó sẽ sinh sản ra nhiều cây lan nhỏ li ti. Tiếp đến qua công đoạn gọi là chai mẹ (chai chồi), từ đó có thể tạo thêm 4 chai giống khác. Trong chai giống này cũng được bổ sung chất dinh dưỡng giúp cây lan phát triển dần.
Các bước cấy cây lan giống vào chai. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo anh Huỳnh Tấn Thuận, Giám đốc HTX Hoa lan Việt, HTX cũng đăng ký cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức, hoặc tự tổ chức lớp, mời giáo viên ở trung tâm dạy nghề Thành phố xuống để giải quyết các khó khăn về canh tác cho các thành viên ngay tại vườn. Thành viên nào trong HTX cần hỗ trợ thêm về tìm kiếm khách hàng thì HTX sẽ hỗ trợ, tuy nhiên đa phần họ đều có lượng khách hàng riêng của mình. Hiện các thành viên cũng đẩy mạnh phát triển bán hàng bằng livetream trên youtube, fanpage.
Một số dòng lan được ưa chuộng của HTX Hoa lan Việt. Ảnh: Trần Trung.
Kỳ vọng xuất khẩu lan
Phát triển hoa lan là một trong những chương trình trọng điểm trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các huyện ngoại thành TP.HCM đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở TP.HCM.
Được thành lập từ năm 2018, HTX Hoa lan Việt ban đầu có 7 thành viên trên tổng diện tích 5ha. Đến nay, HTX có 8 thành viên với tổng diện tích 12ha. HTX đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi trong làng hoa lan TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung với mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.
Hệ thống phun sương tự động cho vườn lan. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Anh Huỳnh Tấn Thuận cho biết, với mong muốn kết nối những người đam mê với hoa lan để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và phát triển, anh cùng với cộng sự đã thành lập HTX chuyên cung cấp hoa lan, cây cảnh các loại, cũng như kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc cây kiểng. Trong đó, sản phẩm chủ lực của HTX Hoa lan Việt là Dendrobium, vũ nữ, mokara, ngọc điểm và lan rừng cho giá trị kinh tế cao.
Theo anh Thuận, ngay từ ban đầu, HTX cũng đã chú trọng đầu tư vào các yếu tố kỹ thuật, tập trung phát triển các loại hoa lan cho giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó cung cấp nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu với giá thấp hơn thị trường cho các thành viên. Nhờ đó, mô hình trồng hoa lan của HTX đã cho hiệu quả và là một trong những mô hình được nhiều nơi đến tham quan học tập.
“Lan không khó trồng, mà ngược lại rất dễ, tuy nhiên mình phải hiểu, phải yêu nó, phải nắm vững kỹ thuật, điều tiết độ ẩm, nhiệt độ ánh sáng và nước tưới phù hợp... Nếu làm được như vậy, đây một trong những loại cây mang lại giá trị cao về cả tinh thần và kinh tế. Ai đã mê thì mê lắm!”, anh Thuận cười.
Mô hình liên kết trồng lan của HTX Hoa lan Việt đã tạo việc làm, thu nhập cao và ổn định cho các thành viên. Ảnh: Trần Trung.
Anh Thuận cũng cho biết, HTX và các thành viên cũng đối diện với nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19, tuy nhiên đến nay, khi tình hình dịch được kiểm soát, du lịch mở cửa thì ngành lan cũng đã dần hồi phục.
"Hiện có nhiều cửa hàng, siêu thị liên hệ để nhập hoa bán, tuy nhiên chúng tôi không thể cung cấp đủ. Bởi, anh em hiện nay đa phần bán hàng qua livestream. Cây đủ lớn là chúng tôi livestream, ngay lập tức đã có khách (các nhà vườn khác) lấy ngay thì lấy đâu ra hoa để cung cấp cho cửa hàng, siêu thị. Hiện thị trường hoa lan đang bán rất ổn định, khả năng từ nay đến cuối năm nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịp Tết thì nhu cầu của người dân tăng cao, khả năng năm nay không có đủ lượng hàng để cung cấp cho thị trường”, Giám đốc HTX Hoa lan Việt cho hay.
Cây lan con được trồng trong giá thể dừa. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Việc liên kết sản xuất hoa lan đã giúp các thành viên của HTX chủ động được giống, chất lượng, mẫu mã, là tiền đề để các thành viên phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, để chủ động được nguồn giống, một số thành viên của HTX cũng đã triển khai đầu tư nhà cấy mô. Đến nay, HTX đã có 4 nhà cấy mô đáp ứng đủ nhu cầu giống cho chính các thành viên HTX cũng như nhu cầu của người chơi lan trên khắp các tỉnh thành.
Nhờ liên kết, cùng hỗ trợ nhau phát triển, nên thu nhập từ mô hình trồng lan của các thành viên trong HTX ngày càng tăng. Ngoài ra, HTX cũng đã giải quyết bài toán cho khoảng 70 lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng từ việc chăm sóc lan.
“Mình có những dòng lan vô cùng quý hiếm như lan rừng Việt Nam có thể xuất khẩu, cùng với đó thay vì phải đi nhập khẩu, mình có thể tự cung tự cấp giống lan cho chính thị trường trong nước thì thật tuyệt vời, không để ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Hi vọng một ngày nào đó, chúng tôi có thể xuất khẩu lan của mình”, anh Trần Anh Thi kỳ vọng.
Hiện nay, các thành viên HTX chủ yếu tiêu thụ lan trên các trang mạng xã hội, livestream. Ảnh: Trần Trung.
TP.HCM là địa phương sản xuất và tiêu thụ hoa lan lớn nhất cả nước lớn với diện tích hoa lan tăng dần qua các năm, tập trung chủ yếu ở hai huyện Củ Chi và Bình Chánh. Theo định hướng, năm 2022, TP.HCM tập trung phát triển nghề trồng hoa lan, đưa diện tích trồng hoa lan lên 370ha, từ đó giúp thay đổi diện mạo nông thôn ngoại thành và cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người dân. Đồng thời, tập trung vào giải pháp đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống để giảm dần tỉ trọng nhập khẩu.