Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã ký Quyết định số 181 – QĐ/HNDTW ngày 20/2/2024 ban hành Quy định về công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Theo đó, Quy định về công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nêu rõ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể về danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cụ thể về: Tiêu chuẩn chung
1. Là hội viên, nông dân gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tham gia xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân ở địa phương, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
2. Năng động, sáng tạo, tích cực học tập, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái trong nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Tích cực liên kết, hợp tác thực hiện đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, cùng nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Về tiêu chuẩn cụ thể:
1. Tiêu chuẩn về thu nhập
Trên cơ sở về mức thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới theo vùng của Bộ tiêu chi Quốc gia về xã nông thôn mới được ban hành theo từng giai đoạn. Tiêu chuẩn thu nhập đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp được quy định như sau:
a) Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn): Gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới theo vùng.
b) Cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương): Gấp 2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới theo vùng.
c) Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): Gấp 4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới theo vùng.
d) Cấp trung ương: Gấp 5 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới theo vùng.
2. Tiêu chuẩn về đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau
a) Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở: Hằng năm có tham gia hoạt động hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên, nông dân khác tại địa phương.
b) Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện: Hằng năm tạo việc làm cho 3 lao động trở lên và có một trong các hoạt động giúp đỡ về vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho ít nhất 3 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
c) Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh: Hằng năm tạo việc làm cho 5 lao động trở lên và có một trong các hoạt động giúp dỡ về vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho ít nhất 5 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
d) Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương: Hằng năm tạo việc làm cho 10 lao động trở lên và có một trong các hoạt động giúp đỡ về vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho ít nhất 10 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hằng năm các cấp Hội Nông dân xây dựng kế hoạch tổ chức phát động, hướng dẫn cho hộ nông dân đăng ký thi dua dạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian đăng ký hoàn thành trong quý I của năm.
Bình xét ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp
1. Các cấp Hội hằng năm tổ chức xét, ra quyết định công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của cấp mình.
2. Trung ương Hội 5 năm một lần tổ chức xét, ra quyết định công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương theo đề nghị của Hội Nông dân tỉnh, thành phố và tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.
Hồ sơ xét công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp
1. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở
a) Biên bản họp bình xét của chi, tổ Hội.
b) Danh sách trích ngang, tóm tắt thành tích đề nghị xét duyệt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.
2. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện
a) Tờ trình của Hội Nông dân cơ sở.
b) Biên bản bình xét của Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp cơ sở.
c) Danh sách trích ngang, tóm tắt thành tích dề nghị xét duyệt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
3. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh
a) Tờ trình của Hội Nông dân cấp huyện.
b) Biên bản bình xét của Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp huyện.
c) Danh sách trích ngang, tóm tắt thành tích đề nghị xét duyệt nông dân dạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
4. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương
a) Tờ trình của Hội Nông dân cấp tỉnh.
b) Biên bản bình xét của Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh.
c) Danh sách đề nghị xét duyệt nông dân đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương
d, Báo cáo tóm tắt thành tích của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (có xác nhận của chính quyền cơ sở)
Hội nghị tổng kết phong trào
1.Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh, thành phố quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
2. Trung ương Hội tổ chức hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc theo giai đoạn 5 năm 1 lần.
Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017 - 2022
Tổ chức thực hiện
Đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Giao Ban Kinh tế Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội tổ chức thực hiện Quy định; theo dõi quá trình thực hiện Quy định ở các cấp Hội; báo cáo kết quả hằng năm. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Hội xét duyệt hồ sơ và đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội ra quyết định công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương.
Đối với Hội Nông dân tỉnh, thành phố
1. Căn cứ Quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
2. Tổng hợp tình hình thực hiện Quy định gắn với kết quả phong trào của địa phương, hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Trung ương Hội (qua Ban Kinh tế) trước ngày 25/12 của năm.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quy định số 944-QĐ/HNDTW ngày 04/9/2014 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Quy định Tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và tổ chức thực hiện". Trong quá trình thực hiện, những vấn đề vướng mắc phát sinh, đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố báo cáo Ban Thường Trung ương Hội xem xét chỉ đạo hướng dẫn thực hiện.