Trong 5 năm 2017 - 2022, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, đạt thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Những con số ấn tượng về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (giai đoạn 2017- 2022)
Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989, đến nay, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, giúp nông dân vươn lên làm giàu.
So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022 có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào
Trong 5 năm 2017 - 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid 19, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn.
Phong trào đã lôi cuốn, khích lệ hàng triệu hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước; trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2021 là 3,6 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký.
Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu "nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cao là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ và các tỉnh: Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang…
Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần.
Nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Anh Trần Như Kiên - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiên, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã đưa nhãn đi xuất khẩu ở nhiều nước. Ảnh: Tuệ Linh
Phong trào góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Điển hình là Sơn La, sau nhiều năm tập trung tổ chức lại sản xuất, đến nay đã xuất khẩu xoài, chuối, chanh leo, thanh long, mận hậu, nhãn, rau và tinh bột sắn sang các nước Trung Quốc, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia...
Riêng TP.HCM có 27.565 lượt hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những ngành nghề mới đem lại hiệu quả cao như trồng hoa lan, cây kiểng, rau củ, quả, chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm, cá cảnh…
Thái Nguyên hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như: Sản xuất chè hữu cơ, có nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại Mỹ, chăn nuôi gà thả đồi (Phú Bình).
Hay những mô hình "cánh đồng lý tưởng" ở Đồng Tháp, "cánh đồng thông minh" ở Hậu Giang và Quảng Nam, mô hình lúa - tôm, lúa - tôm - vịt, nuôi tôm sinh thái (dưới tán rừng), ở Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, trồng bưởi da xanh dưới tán dừa ở Trà Vinh.
Ông Bảy Bon- nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Cần Thơ nuôi nhiều loại cá quý hiếm, không phải ai cũng có. Trong hình là 2 con cá hô-loài cá quý hiếm trên dòng sông Hậu nói riêng và hệ thống sông Mê Kông nói chung. Ảnh: Huỳnh Xây)
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.
Điển hình như, hộ gia đình ông Lý Văn Bon (ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) với mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản và kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đã mang lại lợi nhuận hàng năm đạt 9 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 30 - 38 lao động.
Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Điển hình như: Hộ gia đình ông Phạm Đăng Khuyến (ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) từ sản xuất độc canh cây lúa, chuyển sang đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm cói mỹ nghệ xuất khẩu, với doanh thu hàng năm đạt từ 58- 97 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 140 lao động là hội viên nông dân nghèo; xây dựng 75 vệ tinh thu hút 3.500 đến 5.000 lao động; phối hợp với tổ chức Hội ND của tỉnh dạy nghề và bao tiêu sản phẩm cho hàng nghìn lao động nông thôn trong tỉnh.