Vừa qua, Hội Nông dân thành phố Biên Hòa đã tổ chức Đoàn đến tham quan và học tập kinh nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
Đoàn do đồng chí Trần Thanh Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Biên Hòa làm trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phượng – Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố Biên Hòa và gần 45 cán bộ, hội viên Hội Nông dân của 14 phường trên địa bàn.
Tại nơi đến, cán bộ và hội viên nông dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã được đại diện Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh giới thiệu về công tác tổ chức, hoạt động nghiên cứu và sự phát triển của đơn vị với các mô hình trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời được tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: nuôi trồng Đông trùng hạ thảo, trồng nấm Linh Chi, nấm chân dài, nấm bào ngư xám, rau thủy canh, trồng hoa lan, nuôi cá cảnh và mô hình nhà màng trồng cà chua bi, khổ qua, mướp, bầu bí,...Cùng với đó là nắm bắt quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, kinh nghiệm sản xuất, công tác quản lý về giống, tổ chức thu hoạch, cách thiết kế nhà màng, hệ thống phun sương, nước tưới tự động… nhằm hạn chế các loại sâu bệnh có thể xâm nhập vào nơi canh tác giúp giảm phân, thuốc, nước và tiết kiệm được chi phí nhân công.
Đoàn tham quan mô hình trồng nấm Linh Chi
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động vào tháng 04 năm 2010 có diện tích 88,17 ha với tổng kinh phí đầu tư 152 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như: sản xuất hoa lan, cây kiểng và hoa các loại, sản xuất rau sạch, sản xuất nấm, cây dược liệu, sản xuất giống cá cảnh như cá dĩa và cá chép Koi và sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp. Việc tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại đây nhằm giúp cán bộ, hội viên nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ với quá trình sản xuất ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; từ đó có định hướng xây dựng kế hoạch, đầu tư phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.