Thời gian qua, Tổ công tác Phòng chống lao của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền về phòng chống lao đến các hội viên, nông dân, góp phần để hội viên nông dân biết về biện pháp phòng, chống bệnh lao cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 5.907,1 km2, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố, 09 huyện; 170 xã, phường, thị trấn với dân số hơn 03 triệu người, trong đó có 149/170 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân với 908 chi Hội, 4.973 tổ Hội và 120.618 hội viên. Đồng Nai cũng là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, thu hút nhiều lao động đến làm việc tại địa phương. Công tác phòng, chống bệnh lao tại Đồng Nai luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế quan tâm. Hiện nay tổ chức mạng lưới chống lao của tỉnh có các tuyến như: tuyến tỉnh có Bệnh viện Phổi Đồng Nai; tuyến huyện là Tổ chống lao (TCL) gồm 9 huyện và 2 thành phố (Long Khánh, Biên Hòa). Ngoài ra còn có các tổ chống lao (tương đương) tuyến huyện là TCL trại giam Xuân Lộc…; tuyến xã, phường (chuyên trách lao) gồm 170 xã, phường, thị trấn và 5 phân trại của trại giam Xuân Lộc. Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên y tế chuyên trách lao, chịu trách nhiệm quản lý, điều trị bệnh nhân lao tại địa phương.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai phối hợp các ngành trong tỉnh triển khai một số hoạt động như: Tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia vào công tác phòng, chống lao. Từng bước nâng cao hiểu biết của người dân về phòng, chống lao là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người. Ngoài ra tuyên tuyền cho bà con nông dân nhận biết rằng Bệnh lao và Covid - 19 là 2 bệnh về đường hô hấp, có các triệu chứng gần tương đồng, vì vậy muốn biết được là bệnh lao hay bệnh Covid-19 cần phải điều tra dịch tễ, không giấu bệnh và không kỳ thị người mắc bệnh lao; Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, treo băng rôn khẩu hiệu tại trạm y tế của xã với khẩu hiệu “Hội viên nông dân chung tay chiến thắng bệnh Lao”. Đưa công tác giáo dục truyền thông đi vào chiều sâu; Phối hợp với trạm y tế, các chi tổ hội vận động người nghi mắc lao đi thăm khám tại các trung tâm y tế, hướng dẫn cho các thành viên viết cam kết “gia đình nông dân thực hiện phòng, chống lao tốt”.
Hội nghị truyền thông mô hình Lao tại Hội Nông dân huyện Trảng Bom
Tổ phòng chống lao của Hội Nông dân tỉnh tổ chức phát tài liệu trong các buổi sinh hoạt mô hình về một số nội dung như: một số bệnh lao thường gặp, dấu hiệu đường lây; Hội Nông dân tham gia phòng chống lao, bệnh lao là gì, các triệu chứng của bệnh lao... để các thành viên nắm bắt kịp thời những nội dung trong công tác phòng chống lao tại địa phương.
Hội phối hợp với cán bộ y tế hỗ trợ hội viên, nông dân mắc lao tuân thủ đúng phác đồ điều trị và hội viên, nông dân nghi mắc lao tiềm ẩn đi khám định kỳ để được hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng.
Ban quản lý mô hình thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giúp các thành viên cũng như bệnh nhân mắc lao được tiếp cận thông tin về bệnh lao một cách thiết thực thông qua phương tiện truyền thông và những buổi sinh hoạt mô hình cũng như được tiếp cận thông qua những buổi sinh hoạt chi, tổ hội... Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tư vấn, vận động những người có nguy cơ nhiễm lao tiềm ẩn đi khám sàng lọc và điều trị; theo dõi, hỗ trợ về tinh thần, sinh kế đối với các bệnh nhân lao tiềm ẩn trong quá trình điều trị, đảm bảo bệnh nhân điều trị đúng phác đồ, không bỏ điều trị. Ý thức của nông dân ngày một nâng lên khi triển khai thành lập mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” nhằm tìm ra những người bị lao, hướng dẫn giúp đỡ bà con đi khám và điều trị, mô hình đã được chính quyền địa phương và các hộ hội viên có thành viên mắc lao đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao trên địa bàn vẫn còn khó khăn về nguồn lực và kinh phí hoạt động cho công tác phòng, chống lao, do vậy công tác phát hiện bệnh nhân mới cũng như nguồn lây trong cộng đồng để quản lý và điều trị còn hạn chế. Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; người mắc bệnh lao vẫn còn chịu nhiều định kiến và kỳ thị của xã hội, các gia đình có bệnh nhân nhiễm lao còn tâm lý e dè, ngại tiếp xúc với cộng đồng…
Để chung tay cùng toàn xã hội đẩy lùi bệnh lao. trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của ngành Y tế. Tổ chức thăm hỏi, động viên bệnh nhân mắc bệnh lao tại địa phương. Khuyến khích người nhà tiếp xúc với bệnh nhân lao tham gia sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn.