Việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một giải pháp cấp thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân có thể tiếp cận với những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nước, góp phần bảo vệ môi trường.
Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đóng vai trò cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân, giúp nông dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập.
Năm 2024, thực hiện Đề án số 03-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân về “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025; các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy nông dân khởi nghiệp thông qua việc tổ chức các buổi hội nghị, tọa đàm về giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp, qua đó tạo sự lan tỏa, thu hút hội viên, nông dân tham gia, phát hiện và giới thiệu, nhân rộng nhiều gương nông dân tiêu biểu đã và đang thành công trong khởi nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp tiếp tục phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, THT, các CLB năng suất cao trên địa bàn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học bền vững theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Kết quả trong năm, Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp tổ chức 377 buổi tập huấn với 15.530 người tham gia, 273 đợt hội thảo cho 11.267 người tham gia về một số nội dung chính như: Phòng trừ sâu bệnh trong vụ Đông Xuân; trồng chuối theo hướng hữu cơ; phân bón hữu cơ; kỹ thuật phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cây sầu riêng; kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa, kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ sinh học…; phối hợp xây dựng được 138 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thành lập và duy trì 18 câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông”, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, từ đó có những giải pháp sáng tạo được đánh giá cao và đề cử tham gia Cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật nhà nông” năm 2024. Ngoài ra, đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông lâm TP. HCM và Đại học Lạc Hồng Đồng Nai tổ chức 11 hội nghị cập nhật kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 750 cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; kết quả có 40 giải pháp, sáng kiến của hội viên, nông dân tham gia đăng ký hội thi nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Hội nghị cập nhật kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2024 tại huyện Nhơn Trạch
Việc tổ chức Hội đẩy mạnh phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, đơn vị tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến đã và đang mang lại những thay đổi tích cực cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân đã có thể áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới tiêu tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, bảo vệ thực vật sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất đã giúp nông dân theo dõi và kiểm soát quá trình sản xuất một cách hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời. Cũng nhờ đẩy mạnh công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp đã giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, mang lại thu nhập ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là nhận thức của nông dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật có lúc có nơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với thông tin, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng để ứng dụng công nghệ mới cũng còn nhiều bất cập. Để khắc phục những hạn chế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học và các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.